DetailController

Trồng trọt

Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực của tỉnh Hòa Bình đến năm 2030

18/12/2023 16:30
Ngày 15/12, Tỉnh ủy Hòa Bình đã ban hành Kết luận số 960-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực của tỉnh Hòa Bình đến năm 2030.
Bưởi diễn Yên Thủy được sơ chế, đóng gói đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường nước ngoài

Kết luận nêu rõ, trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, úy ban nhân dân tỉnh; sự nỗ lực, cố gắng của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tố quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; sự đồng tình ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân; phát huy tinh thần đoàn kết, đối mới, sáng tạo, triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong việc xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, bước đầu đã phát triển vùng chuyên canh phục vụ xuất khẩu, số lượng, chủng loại sản phẩm xuất khẩu ngày càng đa dạng; số doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác có sản phẩm nông, lâm sản xuất khẩu tăng; thị trường xuất khẩu được mở rộng qua từng năm. Hạ tầng, trang thiết bị bảo quản nông sản xuất khẩu được đầu tư, nâng cấp. Nhiều mặt hàng nông sản được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản,... góp phần khẳng định thương hiệu và giá trị nông sản, nâng cao kim ngạch xuất khẩu của tỉnh; sản lượng và kim ngạch xuất khẩu nông sản đều tăng mạnh so với mục tiêu 10% đã đặt ra; đây là tiền đề cho việc mở rộng xuất khẩu trong những năm tiếp theo.

Một số nhiệm vụ thời gian tới: Tập trung thúc đẩy xuất khẩu một số sản phẩm chủ lực của tỉnh (không qua chế biến) gồm cây Mía; Cam Cao Phong; Bưởi; Rau sạch; Sắn; Măng; Cây dược liệu; Gỗ rừng trồng và sản phẩm lâm sản; Cá sông Đà. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án số 03-ĐA/TU, ngày 09/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Kêu gọi thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư; nâng cao năng lực của các doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tháo gỡ rào cản, vướng mắc về đất đai, hạ tầng; áp dụng những cơ chế thuận lợi nhất là về thuế, vốn mà Nhà nước đã ban hành để doanh nghiệp, hợp tác xã yên tâm đầu tư sản xuất. Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả quản lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tạo niềm tin đối với khách hàng và đối tác quốc tế. Áp dụng công nghệ cao và phương pháp canh tác tiên tiến để nâng cao chất lượng các sản phẩm xuất khẩu; xây dựng hệ thống sản xuất nông nghiệp sạch; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và các yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Đẩy mạnh việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, như GlobalGAP, HACCP, qua đó nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm. Khuyến khích và hỗ trợ phát triển các vùng nguyên liệu chuyên canh với quy mô lớn, áp dụng các phương pháp canh tác tiên tiến và bền vững nhằm cải thiện chất lượng đất, nguồn nước và hạ tầng nông nghiệp. Đảm bảo quá trình sản xuất và xuất khẩu tuân thủ các nguyên tắc phát triển bền vững, không tác động tiêu cực đến môi trường, cảnh quan thiên nhiên.

Nghiên cứu xây dựng 01 trung tâm logistics của tỉnh, đồng thời hoàn thiện các thủ tục về quy hoạch, đầu tư, đất đai để đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông, kho bãi, kho lạnh và dịch vụ logistics, đảm bảo quá trình vận chuyển và bảo quản hiệu quả, giảm thiểu hao hụt và nâng cao chất lượng sản phẩm. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, bảo hộ nhãn hiệu, quảng bá thương hiệu, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu. Xây dựng kế hoạch hằng năm đồng thời tổ chức có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại tại thị trường quốc tế thông qua các hoạt động như Hội chợ, tuần lễ, hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại để hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia các hội nghị, hội thảo, kết nối giao thương giữa nhà cung cấp với doanh nghiệp xuất khẩu. Thúc đẩy xuất khẩu bền vững thông qua chiến lược Marketing sâu rộng; tăng cường quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông, lâm, thủy sản chủ lực của tỉnh đến các thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước để nâng cao nhận thức và hình ảnh của sản phẩm trên thị trường quốc tế. Phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nổi bật của tỉnh. Xây dựng các “câu chuyện sản phẩm” đặc sắc, gắn với truyền thống, văn hóa bản địa cho mỗi mặt hàng xuất khẩu để quảng bá sản phẩm, quảng bá hình ảnh địa phương. Tìm kiếm và thiết lập quan hệ với các đối tác mới ở các thị trường tiềm năng, đồng thời mở rộng quy mô xuất khẩu tại các thị trường hiện tại. Phổ biến, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về Hiệp định thương mại, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác hội nhập quốc tế và xuất nhập khấu. Tăng cường hỗ trợ pháp lý và thủ tục hải quan, thủ tục hành chính. Kịp thời cập nhật, công khai thông tin về các quy định, tiêu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật, các cam kết về các hàng rào kỹ thuật đói với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nắm bắt thông tin và chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ xuất khẩu. 

Huy động hiệu quả các nguồn vốn: Hằng năm, Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh nghiên cứu cân đối, bố trí kinh phí để đầu tư, cải tạo, nâng cấp, xây dựng các cơ sở bảo quản nông sản, hỗ trợ phát triển hạ tầng vùng sản xuất, tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, các chương trình xúc tiến thương mại tại thị trường quốc tế,... Ưu tiên nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học địa phương để thực hiện các đề tài nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao kỹ thuật, công nghệ mới trong bảo quản nông, lâm, thủy sản. Huy động các nguồn vốn hợp pháp khác, đặc biệt là các nguồn vốn xã hội hóa để đẩy mạnh các hoạt động thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực của tỉnh./.