DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Huyện Lạc Thủy phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng năng suất và sức cạnh tranh

09/04/2024 16:30
Sau 3 năm thực hiện Đề án số 03-ĐA/TU, ngày 09/9/2021 của BTV Tỉnh ủy về "Phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025"; đến nay, ngành Nông nghiệp của huyện Lạc Thủy đã từng bước phát triển theo hướng hàng hóa, tăng năng suất. Các sản phẩm nông nghiệp không những đảm bảo chất lượng, mà còn tăng sức cạnh tranh, và vươn ra thị trường trong nước và thế giới.
Mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm gà Lạc Thủy tại xã Phú Thành, xã An Bình đang đem lại kết quả tích cực cho ngành Nông nghiệp của huyện.

Để thực hiện hiệu quả Đề án, những năm qua, huyện Lạc Thủy đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển sản phẩm nông ngiệp. Trong đó tập trung công tác dồn điền đổi thửa. Sau gần 3 năm, tổng diện tích dồn điền, đổi thửa thực hiện lũy kế đến nay 620 ha, bằng 54,9% so kế hoạch đến năm 2025. Một số địa phương làm tốt công tác dồn điền, đổi thửa tạo tiền đề phát triển sản xuất hàng hóa như: Xã An Bình, Lạc Long (nay là thị trấn Chi Nê), Cố Nghĩa (nay là xã Phú Nghĩa). Ngành Nông nghiệp huyện chỉ đạo địa phương, HTX, THT đẩy mạnh sản xuất theo hướng an toàn và liên kết sản xuất với doanh nghiệp. Đồng thời, chú trọng phát triển sản phẩm rau an toàn, cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao, phát triển chè Sông Bôi, gà Lạc Thủy, phát triển đàn dê, đàn ong lấy mật… Đến nay, nhiều địa phương đã hình thành vùng sản xuất, canh tác có quy mô lớn với các sản phẩm đem lại lợi nhuận kinh tế cao.

Huyện Lạc Thủy hiện đang quản lý và phát triển 5 sản phẩm nông nghiệp được Cục Sở hữu Trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận nhãn hiệu, gồm: “Cam Lạc Thủy”, “Gà Lạc Thủy”, “Na Lạc Thủy”, “Dê Lạc Thủy”, “Chè Sông Bôi. Tổng số cơ sở đã được cấp sử dụng nhãn hiệu 78 hộ, với 3 cơ sở chăn nuôi gà Lạc Thủy, 15 cơ sở trồng na, 15 cơ sở nuôi dê, 13 cơ sở tham gia nhãn hiệu gà và 1 cơ sở tham gia nhãn hiệu chè.

Công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp được quan tâm, đẩy mạnh nhằm thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp huyện Lạc Thủy chuyển dịch theo chiều sâu. Huyện đặc biệt chú trọng thực hiện chuyển giao các mô hình tiến bộ về giống, vật tư nông nghiệp có liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản trong sản xuất. Giai đoạn 2021-2023, Lạc Thủy đã thực hiện 5 mô hình trình diễn giống lúa mới, 2 mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ gắn với chế bến nông sản.

Mức độ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng. Nhiều loại máy móc, thiết bị công nghệ được sử dụng trong nông nghiệp. Nhiều khâu sản xuất có mức độ cơ giới hóa cao, nhất là sản xuất lúa, khâu làm đất đạt gần 100%, thu hoạch gần 90%. Cơ giới hóa nông nghiệp đã giải quyết được khâu lao động nặng nhọc, tính thời vụ khẩn trương, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của một số nông sản. Cùng với đó, công nghiệp chế biến lâm sản trên địa bàn phát triển khá, tập trung là lĩnh vực lâm nghiệp với 25 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ (băm dăm, ván ép), 1 công ty chế biến măng, 1 cơ sở chế biến Quế. Tuy nhiên, hoạt động chế biến nông sản chưa phát triển, chủ yếu vẫn là chế biến thô. Hiện có 2 HTX thực hiện hoạt động giết mổ bao gói sản phẩm gà Lạc Thủy.

Song song với các giải pháp phát triển nông nghiệp, huyện Lạc thủy tập trung làm tốt công tác thủy lợi, đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn. Giai đoạn 2021-2023, huyện đã đầu tư sửa chữa mới 12 công trình thủy lợi với tổng mức đầu tư 15 tỷ đồng. Đến nay, toàn huyện có 99/118 công trình thủy lợi đạt yêu cầu, chiếm 83,9%; 210,7/397,7 km kênh mương nội đồng chính được cứng hóa, chiếm 52,98%. Các công trình thủy lợi đảm bảo tưới tiêu cho 85,77% diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Ngoài ra, hạ tầng giao thông nông thôn được quan tâm, đầu tư xây dựng. Tỷ lệ đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện được nhựa hóa, bê tông hóa đạt 100%; tỷ lệ đường trục thôn, liên thôn được nhựa hóa, bê tông hóa đạt 70,1%; tỷ lệ đường ngõ xóm được cứng hóa đạt 75,79%; đường nội đồng được cứng hóa đạt 62,2%... Hệ thống giao thông nông thôn được hoàn chỉnh đã thúc đẩy quá trình giao thương hàng hóa, khai thác các tiềm năng thế mạnh và thu hút đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp.

Với những giải pháp đã được triển khai đồng bộ, nông nghiệp huyện Lạc Thủy đã có những bước tiến đáng kể. Diện tích gieo trồng và sản lượng lương thực có hạt tăng đều qua các năm. Huyện mở rộng diện tích trồng cây ăn quả tập trung và phát triển rừng cây gỗ lớn, đồng thời duy trì phát triển trồng rau công nghệ cao trong nhà kính. Xu hướng trang trại chăn nuôi tập trung hình thành và nhân rộng nhiều nơi, như nuôi lợn, gà công nghiệp. Các trang trại trên địa bàn hoạt động khá, thu nhập bình quân/trang trại đạt trên 500 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho khoảng 150-200 lao động nhàn rỗi ở địa phương. Qua đó đã tạo ra sản lượng lớn, góp phần không nhỏ vào việc nhận thức về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu chăn nuôi, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người chăn nuôi. Toàn huyện hiện có khoảng 5.400 con con trâu, 6.300 con bò, 55.500 con lợn và 8.100 con dê. Một số mô hình đem lại hiệu quả cao, như: Mô hình chăn nuôi Bò BBB tại xã Hưng Thi, xã Thống Nhất; Mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm gà Lạc Thủy tại xã Phú Thành, xã An Bình; Mô hình nuôi Bò sữa tại xã Phú Thành, xã Phú Nghĩa; Mô hình gây nuôi động vật hoang dã tại xã Đồng Tâm. Công tác phát triển rừng được quan tâm, trồng rừng theo hướng thâm canh, trồng rừng gỗ lớn cho giá trị kinh tế cao.

Các sản phẩm nông, lâm, thủy sản của huyện có sức cạnh tranh trên thị trường và được người tiêu dùng đón nhận. Đến nay, huyện Lạc Thủy có 21 sản phẩm OCOP được UBND công nhận. Trong đó, có 6 sản phẩm 4 sao và 15 sản phẩm 3 sao. Huyện Lạc Thủy đang tiếp tục quảng bá sản phẩm trên sàn thương mại điện tử nhằm mở rộng thị trường, đẩy mạnh các kênh tiêu thụ. Kết quả tiêu thụ lũy kế 2021 đến năm 2023, doanh số bán hàng trên sàn thương mại điện tử Postmark đạt 1,6 tỷ đồng./.