DetailController

Trồng trọt

Huyện Đà Bắc phát triển ngành trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, đảm bảo an toàn thực phẩm và an ninh lương thực

09/05/2024 16:30
Theo Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn huyện Đà Bắc, Huyện xác định mục tiêu phát triển trồng trọt thành ngành kinh tế kỹ thuật hoàn chỉnh, chuyên nghiệp, sản phẩm có sức cạnh tranh cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và các nhu cầu khác của nền kinh tế, gia tăng giá trị xuất khẩu; sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo việc làm, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống cho nông dân góp phần ổn định xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Theo Chiến lược phát triển trồng trọt, huyện duy trì ổn định diện tích gieo trồng rau khoảng 300 ha, đa dạng hóa chủng loại với từng nhóm rau (rau ăn lá, rau ăn quả, củ...)

Trong đó, Huyện Đà Bắc đã đề ra 4 mục tiêu cụ thể đến năm 2030: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất trồng trọt bình quân 4,0 - 4,5%/năm; Đảm bảo tưới chủ động cho 100% diện tích đất chuyên trồng lúa. Tỷ lệ diện tích sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm, thực hành nông nghiệp tốt (GAP và tương đương...), được cấp mã số vùng trồng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc đạt 5 - 10%; Tỷ lệ giá trị sản phẩm trồng trọt chủ lực được sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết đạt 20 - 25%. Giá trị sản phẩm bình quân trên 1 ha đất trồng trọt đạt 70 - 75 triệu đồng.

Tầm nhìn đến năm 2050: Đảm bảo cung cấp nông sản, sản phẩm trồng trọt trong và ngoài huyện. Các sản phẩm ngành trồng trọt được sản xuất theo nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và thu hút các Doanh nghiệp, Hợp tác xã, trang trại đầu tư sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm và an ninh lương thực. Chủ động tham gia chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu. Bảo đảm phát triển sản xuất gắn với hiện đại hóa xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Với định hướng phát triển: Thực hiện Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn huyện đảm bảo phù hợp với phương hướng phát triển của ngành, lĩnh vực; Phát triển trồng trọt theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn kết chặt chẽ với công nghiệp chế biến, du lịch, thị trường tiêu thụ, bảo vệ môi trường, sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng bộ với thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới của huyện. Đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn phát thải các bon thấp, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh trong sản xuất các sản phẩm trồng trọt chủ lực. Phát huy lợi thế của mỗi địa phương để tiếp tục phát triển các vùng chuyên canh tập trung. Xây dựng và phát triển thương hiệu hàng hóa nông sản gắn với chuỗi giá trị trong nước và xuất khẩu. Phát triển trồng trọt thông qua liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi. Huyện tập trung thực hiện 02 nhiệm vụ cụ thể gồm có: Hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất trồng trọt lợi thế từng vùng, địa phương theo 03 nhóm sản phẩm; Tổ chức nâng cao hiệu quả sản xuất trồng trọt, đảm bảo phát triển bền vững. 06 giải pháp trọng tâm là: Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức. Xây dựng, hoàn thiện và triển khai các cơ chế chính sách liên quan đến phát triển trồng trọt; Củng cố, đổi mới tổ chức sản xuất, kinh doanh trồng trọt; hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng sản xuất; Phát triển sản xuất đáp ứng yêu cầu thị trường; Khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và khuyến nông; Nâng cao năng lực quản lý nhà nước; Giám sát và đánh giá…/.