DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Huyện Đà Bắc triển khai kế hoạch dồn điền, đổi thửa

22/05/2019 00:00
Ngày 6/11/2018, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 141/KH-UBND về dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Kế hoạch nhằm cụ thể hóa các chương trình, hoạt động nhằm hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, tạo thuận lợi cho việc liên kết sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất. Mục tiêu đặt ra phấn đấu đến năm 2020 có 50% số xã thực hiện dồn điền, đổi thửa; đến năm 2025 có 60% số xã hoàn thành cơ bản việc dồn điền, đổi thửa; tương ứng khoảng 18,0 % diện tích đất sản xuất nông nghiệp; số thửa ruộng bình quân/hộ sau khi dồn đổi giảm từ 7-9 thửa xuống còn 1-3 thửa; quỹ đất công ích dành cho mục đích phát triển hạ tầng, khu dân cư được quy hoạch tập trung theo yêu cầu xây dựng nông thôn mới.

Trước đó, việc thực hiện DĐĐT đã được các địa phương thực hiện. Trong giai đoạn 2015 - 2018, trên địa bàn tỉnh đã có 46/191 xã thực hiện DĐĐT, chiếm 24,08% tổng số xã; toàn tỉnh đã DĐĐT được 3.741 ha, chiếm khoảng 4,67% tổng diện tích đất trồng trọt. Một số huyện như Yên Thủy, Lương Sơn đã tiên phong thực hiện DĐĐT từ năm 2015, đến nay đã khắc phục đáng kể tình trạng manh mún ruộng đất, tạo chuyển biến tích cực trong tổ chức lại sản xuất và nâng cao hiệu quả kinh tế lĩnh vực trồng trọt.  

Căn cứ trên kế hoạch của tỉnh, năm 2019 huyện Đà Bắc bắt đầu thực hiện kế hoạch DĐĐT với tổng diện tích dự kiến là 50 ha.

Hiện nay, huyện Đà Bắc có tổng diện tích đất trồng trọt khoảng trên 6.400 ha, trong đó, đất lúa khoảng 1.500 ha, đất trồng cây hàng năm khoảng 4.600 ha, đất trồng cây lâu năm khoảng 1.800 ha. Thực hiện kế hoạch DĐĐT, huyện Đà Bắc gặp phải một số khó khăn như: địa hình bị chia cắt mạnh, đất đai manh mún, nhỏ lẻ, chi phí đầu tư cao, cơ giới hóa trong sản xuất hạn chế. So với các địa phương khác trong tỉnh, Đà Bắc là huyện khó khăn nhất khi thực hiện công tác DĐĐT vì có phân hạng rất nhiều loại đất, hệ thống thủy lợi tưới tiêu không đồng bộ, hệ thống giao thông nội đồng còn nhiều khó khăn, nguồn vốn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thấp, khả năng huy động nguồn lực trong dân không cao. Bên cạnh đó, tập quán canh tác của người dân vẫn mang tính tự phát, sản xuất chưa theo quy hoạch, kế hoạch của tỉnh và địa phương nên sẽ trở thành rào cản lớn, đòi hỏi quyết tâm cao và giải pháp đồng bộ của toàn huyện khi bắt đầu thực hiện kế hoạch DĐĐT. Trong khi đó, trước kia huyện chưa có kế hoạch thực hiện DĐĐT

Từ sau khi BTV Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 35-CT/TU ngày 22/12/2017 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác DĐĐT trên địa bàn tỉnh, Huyện ủy, UBND huyện Đà Bắc đã tích cực chỉ đạo thực hiện công tác DĐĐT giai đoạn 2018 – 2020. Trong năm 2018, huyện đã kiện toàn bộ máy thực hiện nhiệm vụ DĐĐT ở các cấp; hoàn thành việc rà soát hiện trạng, phân hạng đất đến từng thửa ruộng; quy hoạch các khu sản xuất tập trung đến năm 2025 của xã đến từng thôn/xóm; các thôn/xóm đề xuất kế hoạch thực hiện DĐĐT phân theo năm, tổng hợp đề xuất vào kế hoạch chung của xã; UBND các xã, thị trấn triển khai xây dựng kế hoạch DĐĐT tại địa phương, đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển KT-XH, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Đó là sự chuẩn bị cần thiết để bắt đầu từ năm 2019, UBND huyện ban hành Kế hoạch DĐĐT trên địa bàn huyện đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.

Dự kiến trong năm 2019, huyện Đà Bắc sẽ thực hiện DĐĐT tại 5 xã là Tu Lý, Hào Lý, Mường Chiềng, Đồng Chum, Tân Pheo, với quy mô 10ha/xã, tổng diện tích là 50 ha. Sau khi triển khai tại 5 xã thí điểm, huyện phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 20/20 xã, thị trấn thực hiện DĐĐT với tổng diện tích 197 ha. Đến năm 2025, nâng tổng diện tích DĐĐT toàn huyện sau triển khai kế hoạch là 647 ha, chiếm 10% diện tích đất nông nghiệp. Chủ trương trong quá trình thực hiện, việc DĐĐT phải đảm bảo nguyên tắc công bằng, dân chủ, công khai, phù hợp với Luật Đất đai và các quy hoạch trong nông nghiệp, nông thôn. Chủ trương của huyện là giữ nguyên diện tích đất canh tác và ranh giới đất đai đã được phân định trước đây giữa các xã, thị trấn và các thôn, xóm trong xã, thị trấn; chỉ dồn đổi và điều chỉnh vị trí sử dụng đất của từng hộ, tuyệt đối không được chia lại ruộng đất. Đồng thời, sắp xếp, bố trí quỹ đất công ích vào khu vực quy hoạch để xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội.

Hiện, UBND huyện đang chỉ đạo tổ chức tuyên truyền sâu rộng kế hoạch DĐĐT đến toàn dân; giao Phòng TN&MT là cơ quan chuyên môn chịu trách nhiệm đôn đốc, giám sát triển khai thực hiện kế hoạch tại địa phương, thực hiện việc cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ sau dồn, đổi; giao Phòng NN&PTNT là cơ quan chuyên môn chịu trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức lại sản xuất sau thực hiện DĐĐT. Các xã thí điểm năm nay cũng đang tích cực vào cuộc với quyết tâm hoàn thành kế hoạch DĐĐT năm 2019./.