DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Huy động nguồn lực hỗ trợ 36 thôn bản khó khăn của tỉnh

18/12/2015 00:00
Tỉnh Hòa Bình có 10 huyện và 01 thành phố với tổng số 210 xã, phường, thị trấn, 2.068 thôn, bản. Trong 2.068 thôn, bản có 36 thôn, bản thuộc diện khó khăn nhất tỉnh, có tỷ lệ hộ nghèo cao, cơ sở hạ tầng yếu kém rất cần được huy động nguồn lực để hỗ trợ như: thôn Kế xã Mường Chiềng; thôn Chếch xã Đông Lai; thôn Cuộc xã Cao Dăm…

Nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, duy trì và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, đầu năm 2014, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án đầu tư hỗ trợ 36 thôn bản đặc biệt khó khăn nhất tỉnh với tổng mức đầu tư 133,978 tỷ đồng. Qua 2 năm triển khai, đến nay, người dân vùng khó khăn đã bước đầu được hưởng lợi từ Đề án. Cơ sở hạ tầng được đầu tư nâng cấp, xây dựng. Tổng số đã có 24 công trình hạ tầng như giao thông, điện, nước sinh hoạt, thủy lợi, nhà sinh hoạt cộng đồng với tổng mức đầu tư gần 142 triệu đồng. Đa số là công trình đầu tư cho nhiều xóm trên địa bàn cùng hưởng lợi, trong đó có xóm khó khăn nhất thuộc đề án. Các công trình đã phát huy hiệu quả, khắc phục khó khăn bước đầu về cho sở hạ tầng thiết yếu cho một số thôn, bản trong phục vụ đời sống và phát triển kinh tế. Đây là kết quả của việc phối hợp nguồn vốn từ nhiều chương trình như 135, vốn dự án Giảm nghèo, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, vốn của ngành điện, ngành giao thông, ngân sách huyện, thành phố.

Bên cạnh đó, đề án cũng chú trọng phát triển sản xuất cho người dân bằng việc hỗ trợ trực tiếp xây dựng 60 mô hình sản xuất. Có thể kể đến các mô hình tiêu biểu như nuôi dê sinh sản, bò lai sin, bò địa phương, nuôi lợn rừng Thái Lan, lợn thịt bản địa…. Cùng nguồn vốn từ các chương trình khác được lồng ghép đã hỗ trợ cho các hộ nghèo giống cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ trồng rừng sản xuất, đào tạo chuyển giao khoa học kỹ thuật của các xã có xóm khó khăn nhất tỉnh được hưởng lợi.

Trong hai năm qua, cùng với việc hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, các hoạt động hỗ trợ về văn hóa nhằm duy trì và giữ gìn bản sắc văn hóa đặc trưng của các dân tộc cũng được tích cực triển khai. Các đội văn hóa của các thôn, xóm được hỗ trợ 2 triệu đồng/năm. Đồng thời khuyến khích đưa các nội dung ra hoạt động văn hóa lễ hội quy mô cấp thôn bản như hát đối, hát đúm, múa xòe, trình diễn cồng chiêng, hát giao duyen lời cổ. Các hoạt động khác như tuyên truyền, tập huấn kiến thức về sản xuất, xóa đói giảm nghèo, nâng cao nhận thức pháp luật… được tổ chức tạo điều kiện phát huy có hiệu quả việc giám sát các hoạt động trên địa bàn. Cùng với đó, ngành Lao động đã tổ chức các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 của Chính phủ trên địa bàn các huyện, thành phố. Một bộ phận lao động các thôn, bản khó khăn nhất tỉnh được đào tạo theo chương trình này, phần nào đáp ứng được nhu cầu học để chuyển nghề cho lao động nông thôn. Các hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn được Ngân hàng chính sách xã hội  tiếp tục cho vay vốn phát triển sản xuất. Người có uy tín trong các thôn bản được quan tâm, thăm hỏi, động viên kịp thời, được tiếp cận thông tin về tình hình kinh tế xã hội của địa phương để phát huy vai trò tại địa bàn sinh sống.

Kết quả hai năm thực hiện đề án hỗ trợ 36 thôn bản khó khăn nhất tỉnh đã giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 60,9% năm 2014 còn khoảng 45,6% năm 2015. Thông qua việc chỉ đạo, kiểm tra, tổ chức thực hiện các dự án đầu tư, hỗ trợ trên địa bàn đã góp phần giúp đồng bào 36 thôn, bản khó khăn nhất tỉnh ổn định tư tưởng, yên tâm sản xuất; ý thức chấp hành pháp luật được nâng cao; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định; góp phần phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, do địa bàn của 36 thôn, bản còn rất nhiều khó khăn, nhu cầu đầu tư, hỗ trợ rất lớn, nguồn vốn đầu tư từ các chương trình của Nhà nước có hạn, chưa đáp ứng được nhu cầu làm tăng nguy cơ tụt hậu về kinh tế và đời sống văn hóa cho người dân 36 thôn, bản khó khăn. Do đó, trong thời gian tới, cần quan tâm hơn nữa đến việc cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nơi đây. Trong đó, cần tập trung huy động mọi nguồn lực lồng ghép từ các chương trình, dự án để phát huy hiệu quả tổng hợp, đồng bộ từ các nguồn vốn; nghiên cứu áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng vào sản xuất và đời sống; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường; định hướng hỗ trợ tạo vùng nguyên liệu chuyên canh, vùng nguyên liệu cây, con đặc sản. Đồng thời, có cơ chế khuyến khích đầu tư vào cùng khó khăn, ưu tiên những dự án có sử dụng nhiều lao động tại chỗ hoặc bảo tồn và phát triển văn hóa vùng miền.