Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024 được tổ chức nhằm phát huy giá trị của sách, của văn hóa đọc trong cộng đồng; góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần, phát huy những giá trị đạo đức, truyền thống hiếu học của dân tộc; hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức; góp phần xây dựng xã hội học tập. Tôn vinh người đọc, người sáng tác, xuất bản, in, phát hành, thư viện, lưu giữ, sưu tầm, quảng bá sách và các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Tổ chức các hoạt động của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam theo hướng đa dạng, phong phú, kết hợp với các hoạt động và các sự kiện khác của ngành Giáo dục. Theo đó, các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam cần phải lựa chọn hình thức, nội dung thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng đơn vị, trường học, tránh phô trương hình thức, lãng phí.
Các hoạt động của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam tập trung vào các hoạt động chính sau đây: Thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng với các hình thức phù hợp về mục đích, ý nghĩa của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam đến cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo, người lao động trong ngành Giáo dục và học sinh, sinh viên.
Khuyến khích cha mẹ học sinh đồng hành, ủng hộ các phong trào xây dựng tủ sách lớp học; tổ chức các hoạt động luân chuyển sách, báo, tài nguyên thông tin thư viện và trưng bày, giới thiệu sách; xây dựng các góc đọc, thư viện cùng học.
Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng tìm kiếm thông tin trực tuyến; kỹ năng tiếp nhận và sử dụng tài nguyên thông tin thông qua việc đọc; bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về quản lý vận hành thư viện cho cán bộ thư viện trường học.
Tuyên truyền, vận động/khuyến khích cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên, cộng đồng xã hội thường xuyên đến đọc sách tại các thư viện trường học, thư viện cộng đồng, thư viện số, thư viện trực tuyến trên môi trường mạng; tổ chức các hoạt động khuyến đọc đa dạng (đọc sách giấy, sách điện tử,...) phù hợp với nhiều đối tượng khác nhau nhằm thu hút và hình thành thói quen tham gia và sử dụng thư viện cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên và cộng đồng xã hội.
Tổ chức triển lãm, hội chợ sách; đường sách, phố sách với các gian hàng giới thiệu, trưng bày sách hay, sách đẹp, phục vụ đọc sách miễn phí,... quan tâm giới thiệu đến bạn đọc các loại sách, ấn phẩm giới thiệu về truyền thống lịch sử, văn hóa, con người Hòa Bình, các ngày lễ lớn của đất nước và của tỉnh Hòa Bình trong năm 2024. Mời các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành sách của Trung ương và địa phương tham gia trưng bày, giới thiệu sách, bán sách giá ưu đãi phục vụ bạn đọc.
Tổ chức Tuần lễ sách với các hoạt động như: Hội thảo, nói chuyện, tọa đàm về sách; giao lưu giữa các nhà văn hóa, khoa học, nhà văn, nhà thơ với độc giả; giới thiệu sách; tổ chức các cuộc thi đọc sách, thi bình sách; giới thiệu các kỷ lục về sách; trao tặng sách, đấu giá sách…
Đẩy mạnh các hoạt động thư viện trường học đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung như: giới thiệu sách, điểm sách theo chủ đề, trưng bày sách, triển lãm sách, kể chuyện theo sách, vui đọc sách, trò chơi về sách, diễn kịch theo sách, viết bài bình luận, bài thu hoạch, vẽ tranh theo sách, trang trí bìa sách, hóa trang nhân vật yêu thích, thi ảnh góc đọc sách ưa thích, thuyết minh phim,... triển khai có hiệu quả tiết học, tiết đọc thư viện, nhất là đối với cấp tiểu học.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin góp phần nâng cao chất lượng hoạt động thư viện; tăng cường sử dụng, khai thác tư liệu số, sách báo điện tử, thư viện điện tử, thư viện trực tuyến để đáp ứng nhu cầu của cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, sinh viên trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; tổ chức các hoạt động tư vấn, tập huấn, hướng dẫn các kỹ năng tìm kiếm, khai thác và sử dụng nguồn tài liệu số hữu ích, an toàn, đúng quy định của pháp luật.
Giới thiệu, nhân rộng các mô hình quản lý, tổ chức các hoạt động thư viện trường học tiêu biểu, điển hình. Phát hiện, bồi dưỡng, biểu dương, nhân rộng các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong các hoạt động xây dựng và phát triển văn hóa đọc, khuyến khích học tập suốt đời, góp phần xây dựng xã hội học tập. Phòng GD&ĐT huyện, thành phố quan tâm chỉ đạo điểm việc xây dựng thư viện đáp ứng các tiêu chuẩn đề nghị xét tặng Giải thưởng Phát triển Văn hóa đọc hằng năm ban hành kèm theo Quyết định số 2608/QĐ-BVHTTDL ngày 10/7/2018 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.
Phát động các cuộc thi trưởng thành cùng sách để các em tự lập ra mục tiêu kế hoạch đọc sách của mình; tổ chức ngày hội đọc sách, các cuộc thi tìm hiểu thông tin trực tuyến dưới nhiều hình thức hấp dẫn với sự tham gia của cộng đồng và cha mẹ học sinh. Tổ chức cuộc thi giới thiệu, tuyên truyền sách dành cho học sinh, sinh viên.
Phát động, tổ chức các phong trào, chương trình quyên góp sách, ủng hộ sách vở, hỗ trợ cho học sinh các trường vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tổ chức phát động xây dựng, giới thiệu, tôn vinh mô hình tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ, tủ sách địa bàn dân cư tiêu biểu trên địa bàn./.