Theo đó, đối tượng thụ hưởng chính sách bao gồm: 1. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác trồng cam trên địa bàn huyện Cao Phong. Cá nhân, hộ gia đình là thành viên của tổ chức trồng cam trên địa bàn huyện Cao Phong. Trường hợp cá nhân chưa là thành viên của tổ chức thì cần có hợp đồng liên kết với một trong các tổ chức trồng cam trên địa bàn huyện Cao Phong. Hợp đồng liên kết là sự tự nguyện của các bên, các điều khoản trong hợp đồng cần có các thông tin chính về: Diện tích tham gia liên kết (ha), loại giống sử dụng (tuân thủ theo định hướng của Ủy ban nhân dân huyện Cao Phong và cơ cấu giống cụ thể của tổ chức trồng cam). Hợp đồng có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cá nhân có đất canh tác đăng ký trồng cam
Để tổ chức thực hiện các nội dung tại Nghị quyết số 237/2023/NQHĐND ngày 07 tháng 4 năm 2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh, đề nghị các cơ quan, đơn vị thực hiện theo trình tự sau:
Bước 1. Đăng ký, tiếp nhận đơn đề nghị; thẩm định và tổng hợp diện tích đề nghị hỗ trợ cây giống: Ủy ban nhân dân huyện Cao Phong chủ động xây dựng kế hoạch tái canh cho từng năm và cả giai đoạn 2023-2025; thông báo rõ thời hạn đăng ký hỗ trợ, thời hạn tổng hợp danh sách đăng ký hỗ trợ, đảm bảo thời gian thực hiện các thủ tục để cung cấp cây giống cho người sản xuất phù hợp với yêu cầu mùa vụ để trồng theo hướng dẫn trong quy trình kỹ thuật canh tác cây ăn quả có múi. Căn cứ vào kế hoạch trồng tái canh do Ủy ban nhân dân huyên Cao Phong ban hành; các tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng thụ hưởng có nhu cầu trồng tái canh nộp đơn đề nghị hỗ trợ gửi Ủy ban nhân dân cấp xã. Riêng các tổ chức, cá nhân canh tác trên diện tích đất do Công ty TNHH MTV Cao Phong quản lý thì nộp đơn về Công ty. Ủy ban nhân dân cấp xã, Công ty TNHH MTV Cao Phong: Xét đơn, đối chiếu điều kiện và nguyên tắc hỗ trợ để xác nhận những trường hợp đủ điều kiện. Những trường hợp không đủ điều kiện, Ủy ban nhân dân cấp xã hay Công ty TNHH MTV Cao Phong trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Ủy ban nhân dân cấp xã, Công ty TNHH MTV Cao Phong tổng hợp diện tích đủ điều kiện nhận hỗ trợ (theo Mẫu số 03 tại Phụ lục đính kèm). Gửi bảng tổng hợp về Ủy ban nhân dân huyện Cao Phong. Ủy ban nhân dân huyện Cao Phong tổng hợp kết quả gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, kiểm tra rà soát thực địa (nếu cần), đối chiếu với điều kiện, nguyên tắc hỗ trợ để đánh giá sự phù hợp về quy mô các vùng trồng, yêu cầu rải vụ, chủng loại, cơ cấu giống và trả lời Ủy ban nhân dân huyện Cao Phong bằng văn bản.
Bước 2. Xây dựng, thẩm định, phê duyệt dự toán kinh phí: Trên cơ sở ý kiến của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và định mức hỗ trợ đã nêu tại Nghị quyết số 237/2023/NQ-HĐND ngày 07 tháng 4 năm 2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện Cao Phong xây dựng dự toán kinh phí hỗ trợ giống. Trong đó nêu rõ nguồn ngân sách tỉnh, nguồn ngân sách huyện gửi Sở Tài chính thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, giao kinh phí (75% dự toán kinh phí hỗ trợ cây giống) cho Ủy ban nhân huyện Cao Phong. Ủy ban nhân dân huyện Cao Phong chủ động bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách huyện để đảm bảo mức chi 25% tổng dự toán hỗ trợ cây giống; đồng thời bố trí kinh phí từ ngân sách huyện để thực hiện các chi phí liên quan. Sau khi được cấp kinh phí, Ủy ban nhân dân huyện Cao Phong tổ chức xây dựng, phê duyệt kế hoạch đấu thầu và lựa chọn nhà thầu cung ứng cây giống theo quy định Luật Đấu thầu. Ủy ban nhân dân huyện Cao Phong chỉ đạo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã và Công ty TNHH MTV Cao Phong cấp phát cây giống cho đối tượng đăng ký đủ tiêu chuẩn. Đồng thời nghiệm thu kết quả thực hiện và quyết toán kinh phí thực hiện.
Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đôn đốc, kiểm tra, giám sát thực hiện Nghị quyết. Thẩm định, cho ý kiến với đề nghị của Ủy ban nhân dân huyện Cao Phong về hỗ trợ cây giống hàng năm; Hỗ trợ huyện Cao Phong ban hành khung tiêu chuẩn cây giống khi xây dựng hồ sơ đấu thầu. Chủ trì, phối hợp các Sở, ban, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân huyện Cao Phong kiểm tra tình hình thực hiện, tổng hợp tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo định kỳ hàng năm, giai đoạn về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết là cơ sở xem xét, đánh giá việc hỗ trợ trong giai đoạn tiếp theo. Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Uỷ ban nhân dân huyện Cao phong và các đơn vị liên quan thẩm định, tham mưu báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí 75% kinh phí từ ngân sách cấp tỉnh để hỗ trợ cây giống thực hiện tái canh cây cam trên địa bàn huyện Cao Phong. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Cao Phong, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn huyện Cao Phong tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động đoàn viên, hội viên thực các quy định về chính sách, quy trình sản xuất tái canh cây cam trên địa bàn huyện. Tổ chức, cá nhân nhận hỗ trợ cây giống tuân thủ quy trình kỹ thuật tái canh cây ăn quả có múi do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành; sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý…/.