DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Hội thảo Nghiên cứu phát triển dịch vụ môi trường rừng tiềm năng tại tỉnh Hòa Bình

29/10/2021 00:00
Chiều 28/10, Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp với Dự án Bảo tồn Đa dạng sinh học và sử dụng bền vững các hệ sinh thái rừng tại Việt Nam (Dự án GIZ-Bio Giai đoạn II) tổ chức Hội thảo Nghiên cứu phát triển các dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) tiềm năng tại tỉnh Hòa Bình. Đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và Bà Anja Barth, Cố vấn trưởng Dự án Bảo tồn Đa dạng sinh học và sử dụng bền vững các hệ sinh thái rừng tại Việt Nam chủ trì Hội thảo. Tham dự có đại diện Vụ quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ thuộc Tổng cục Lâm nghiệp – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh; UBND huyện Mai Châu, Đà Bắc; đại diện các đơn vị cung ứng dịch vụ môi trường rừng; sử dụng môi trường rừng.
Đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phát biểu tại hội thảo

Dự án Bảo tồn Đa dạng sinh học và sử dụng bền vững các hệ sinh thái rừng được triển khai nhằm mục tiêu góp phần cải thiện tính bền vững tài chính cho rừng đặc dụng và phòng hộ nhằm đảm bảo hiệu quả quản lý rừng và bảo tồn đa dạng sinh học thông qua việc bổ sung thêm các DVMTR tại tỉnh Hòa Bình.

Tỉnh Hòa Bình triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng từ năm 2011. Sau hơn 10 năm thực hiện, chính sách chi trả DVMTR đã từng bước đi vào cuộc sống, tạo nguồn tài chính bền vững, hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ rừng, góp phần cải thiện sinh kế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người dân, bảo vệ môi trường sinh thái. Theo quy định của Luật Lâm nghiệp năm 2017, có 05 loại hình DVMTR gồm: Bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng lòng hồ, lòng sông, lòng suối; Điều tiết, duy trì nguồn nước cho sản xuất và đời sống xã hội; Hấp thu và lưu trữ các – bon của rừng; giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh; Bảo vệ, duy trì vẻ đẹp cảnh quan tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng cho kinh doanh dịch vụ du lịch; Cung ứng nguồn thức ăn, con giống tự nhiên, nguồn nước từ rừng và các yếu tố từ môi trường, hệ sinh thái rừng để nuôi trồng thủy sản. 06 đối tượng phải phải chi trả dịch vụ môi trường rừng gồm: Cơ sở sản xuất thủy điện; Cơ sở sản xuất và cung ứng dịch vụ nước sạch; Cơ sở sản xuất nước công nghiệp; Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; Tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh gây phát thải khí nhà kính lớn; Cơ sở nuôi trồng thủy sản.

Hiện nay, do nhiều nguyên nhân khác nhau, đối chiếu với quy định của pháp luật về lâm nghiệp, tỉnh mới thực hiện 2/5 loại hình DVMTR và 2/6 đối tượng phải chi trả tiền DVMTR. Năm 2020, chi trả tiền DVMTR là 18,919 tỷ đồng. Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã ký 10 hợp đồng với nhà máy thủy điện; 02 hợp đồng với cơ sở sản xuất và cung cấp nước sinh hoạt, không có hình thức chi trả trực tiếp.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, trao đổi tình hình thực hiện chính sách DVMTR; các DVMTR và đối tượng phải chi trả tiền DVMTR khả thi trong giai đoạn 2021-2025; các công việc cần tiến hành để đưa các nguồn thu này vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của năm 2021; phát triển dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí theo hướng cho thuê môi trường rừng…

Phát biểu kết luận, đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến tại hội thảo. Để đảm bảo việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định của pháp luật, đề nghị các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố quan tâm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, thường xuyên rà soát, cập nhật các cơ sở sử dụng DVMTR mới đi vào hoạt động, phối hợp Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tổng hợp danh sách trình UBND tỉnh làm căn cứ để thực hiện. Chỉ đạo thực hiện nghiêm việc chi trả tiền DVMTR; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát sử dụng tiền DVMTR hiệu quả./.