DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Hội thảo “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”

27/06/2019 00:00
Ngày 27/6, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy Hoà Bình tổ chức Hội thảo Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tới dự có các đồng chí: Thào Xuân Sùng, UV TW Đảng, Chủ tịch BCH TW Hội Nông dân Việt Nam; Đỗ Văn Chiến, UV TW Đảng, Chủ nhiệm, Bộ trưởng Uỷ ban Dân tộc; Bùi Văn Tỉnh, UV TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hoà Bình; lãnh đạo TW HND Việt Nam, Uỷ ban dân tộc, lãnh đạo 21 tỉnh miền núi trong cả nước.
Đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu chào mừng hội thảo

Phát biểu chào mừng hội thảo, đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy chào mừng các vị đại biểu về dự. Đồng chí Bí thư nhấn mạnh hội thảo hôm nay là dịp để Trung ương và các tỉnh, thành đại diện cụm thi đua cả nước và các tỉnh miền núi phía bắc đánh giá kết quả đã đạt được trong những năm qua; xác định nội dung trọng tâm trong công tác chỉ đạo, phối hợp, tham gia thúc đẩy KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi những năm tiếp theo. Đồng thời chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, kinh nghiệm trong tổ chức, triển khai thực hiện nhiệm vụ chung và của từng địa phương.

Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của BCH TW Đảng khoá IX và 25 năm thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 23/9/1994 của Ban bí thư khoá VII đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện. Cơ sở hạ tầng vùng DTTS và miền núi được xây dựng đồng bộ hơn; sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hoá được quan tâm đầu tư phát triển; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS được cải thiện rõ rệt; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng DTTS và miền núi được giữ vững; niềm tin vào chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước được củng cố và tăng cường.

Tới nay, kết cấu hạ tầng của các tỉnh miền núi đã có những thay đổi rõ rệt: 98,6% xã có đường ô tô đến trụ sở UBND xã, có 99,8% số xã và 95,5% số thôn có điện. Tới năm 2018 tỷ lệ hộ nghèo DTTS còn khoảng 25,5%, giảm hơn 3% so với cuối năm 2017.

Thực hiện nhiệm vụ tham gia phát triển KT-XH, những năm qua, các cấp hội nông dân đã xây dựng được 10.598 mô hình trình diễn về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, 170.319 mô hình sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, chuyển giao 708 mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học và chế phẩm Biowish trong sản xuất, chế biến và bảo quản nông sản xuất....

Tuy nhiên, vùng DTTS vẫn là vùng kém phát triển, sản xuất nông nghiệp mang tính tự nhiên; còn 535/1.848 xã chưa có đường nhựa đến trung tâm xã; 14.093 thôn, bản chưa có đường ô tô, 204/1.848 xã chưa có điện lưới quốc gia, 304 xã đặc biệt khó khăn chưa đủ lớp học kiên cố, 15.930 thôn, bản chưa có nhà trẻ, mẫu giáo, 758 xã chưa có nhà văn hoá.

Từ thực tiễn cho thấy, một số chủ trương, chỉ tiêu kế hoạch đề ra trong NQ của TW, kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị chưa đạt được, nhiều vấn đề bức xúc nảy sinh trong thực tế chưa được giải quyết thấu đáo. Vùng DTTS và miền núi vẫn là vùng khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp, KT-XH phát triển chậm nhất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao.

Tại hội thảo, đại biểu các tỉnh đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra những đề xuất, kiến nghị nhằm thực hiện hiệu quả hơn chính sách phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phía bắc. Trong đó cần chú trọng phát triển bền vững, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả...

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Thào Xuân Sùng - UV TW Đảng, Chủ tịch HND Việt Nam cho biết, công tác chính sách dân tộc của nước ta trong những năm qua đạt được nhiều thành quả hết sức khả quan. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn có một số hạn chế nhất định. Thời gian tới các cấp hội Nông dân Việt Nam cần khắc phục khó khăn, bất cập, phân tích kỹ nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp thiết thực, hiệu quả hơn. Đồng thời, phát huy vai trò trung tâm, là nòng cốt trong phát triển KT – XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi./.