DetailController

Trồng trọt

Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình: Triển khai hiệu quả nhiều cách làm hay để hỗ trợ hội viên

30/10/2023 16:00
Phát huy vai trò là cầu nối, chỗ dựa tin cậy của hội viên nông dân, thời gian qua, các Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình đã đồng hành, hỗ trợ hội viên triển khai hiệu quả nhiều cách làm hay, mô hình mới giúp nông dân phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.
Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Đồng hiện có có 30ha đã được cấp mã số vùng trồng, chứng nhận VietGAP và được công nhận là sản phẩm OCOP4 sao của tỉnh Hòa Bình

Như tại HTX Nông nghiệp Đại Đồng ở xã Ngọc Lương, huyện Yên Thủy là một trong những HTX tiêu biểu do Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập. Theo ông Vũ Xuân Oanh - Giám đốc HTX Nông nghiệp Đại Đồng cho biết: HTX Nông nghiệp Đại Đồng có nền tảng ban đầu từ Tổ hợp tác trồng Bưởi Diễn Đại Đồng do Hội Nông dân thành lập. Sau khi thành lập tổ hợp tác, 60 hộ dân trồng Bưởi Diễn đã được Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình cho vay 900 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân để đầu tư chăm sóc và xây dựng thương hiệu Bưởi Diễn Đại Đồng. Bên cạnh việc được vay vốn, các hộ dân trồng Bưởi Diễn Đại Đồng còn được cán bộ hội nông dân tập huấn kỹ thuật trồng bưởi, bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật…Để tiếp tục kết nối các hộ dân trồng bưởi Diễn ở Đại Đồng lại với nhau, tháng 12/2015, HTX Nông nghiệp Đại Đồng đã được thành lập với 82 thành viên, tập trung phát triển các loại bưởi, trong đó bưởi Diễn là cây trồng chủ lực. Từ năm 2020 đến nay, HTX Đại Đồng cơ cấu lại nên chỉ còn 22 thành viên tích cực.

Các thành viên tham gia HTX nghiêm túc tuân thủ kỹ thuật trồng và chăm sóc cây theo tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, tích cực áp dụng khoa học, kỹ thuật vào quá trình sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, đã có 30ha của HTX Nông nghiệp Đại Đồng đã được cấp mã số vùng trồng, chứng nhận VietGAP và được công nhận là sản phẩm OCOP4 sao của tỉnh Hòa Bình. Theo Giám đốc HTX Nông nghiệp Đại Đồng cho biết: "Sau khi được cấp mã số vùng trồng hướng tới việc xuất khẩu, việc canh tác bưởi Diễn càng được người dân xóm Đại Đồng chú trọng. Sản phẩm của HTX đã được mang mẫu đi kiểm tra với 821 chỉ số đều đạt tiêu chuẩn an toàn. "Tin vui là, lần đầu tiên ngày 12/12/2022, 9.600 quả bưởi Diễn có khối lượng khoảng 11 tấn đã được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Vương quốc Anh - 1 trong những thị trường khó tính nhất Châu Âu, với giá 20.000 đồng/quả (loại từ 0,8 - 1,2 kg). Với mức giá như vậy, 1 quả bưởi Diễn cho lãi khoảng 10.000 đồng". Năm 2022, HTX Đại Đồng xuất bán được 450 tấn bưởi Diễn ra thị trường, với giá trung bình 12.000 đồng/kg, đạt doanh thu hơn 8 tỷ. Trung bình, mỗi thành viên thu nhập khoảng 400 triệu/ha; sau khi trừ chi phí lãi từ 250 - 300 triệu đồng.

Không chỉ phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, nông dân Hòa Bình còn đầu tư phát triển mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Điển hình như: Nông dân Hà Văn Sêm ở xóm Nà Chiềng, xã Nà Phòn, huyện Mai Châu đã phát huy những lợi thế của địa phương và bản sắc của dân tộc mình xây dựng khu Homestay để phát triển du lịch cộng đồng, lồng ghép với kinh doanh các sản phẩm dân tộc như thổ cẩm, ẩm thực dân tộc. Ông Sêm cho hay: Mô hình du lịch cộng đồng Mai Châu Sky của gia đình ông có hơn 20 phòng và 1 nhà sàn nghỉ cộng đồng. Bình quân mỗi năm, Mai Châu Sky đón cả nghìn lượt khách, doanh thu hơn tỷ đồng. Mô hình du lịch cộng đồng của gia đình ông đã tạo công ăn việc làm cho 5 -6 lao động địa phương với mức lương từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Không chỉ biết khai thác tiềm năng, thế mạnh ở địa phương gắn với việc giữ gìn bản sắc văn hóa để làm giàu chính đáng, ông Sêm còn chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ hàng chục hội viên nông dân khác vươn lên thoát nghèo và làm giàu từ mô hình du lịch cộng đồng. Qua đó, góp phần nhân rộng phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi; thặt chặt tình làng nghĩa xóm, chung sức xây dựng bản Thái ngày một ấm no, hạnh phúc.

Những điển hình HTX tiêu biểu, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi như HTX Nông nghiệp Đại Đồng hay mô hình du lịch cộng đồng của ông Hà Văn Sêm đã tạo động lực để hội viên nông dân tỉnh Hòa Bình tích cực hưởng ứng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa.

Theo đồng chí Lê Văn Thạch – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Những năm qua, các cấp Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình đã tập trung vận động hội viên, nông dân phát triển kinh tế, mà trọng tâm là việc triển khai, thực hiện có hiệu quả Phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" với những giải pháp cụ thể, thiết thực. Trong đó, Hội Nông dân tập trung tuyên truyền, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng làm giàu cho hội viên, nông dân; tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề; hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, vật tư nông nghiệp; hỗ trợ khâu quảng bá, tiêu thụ sản phẩm… Trong 5 năm qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã phối hợp với doanh nghiệp cung ứng trên 15.420 tấn phân bón trả chậm; tổ chức 1.136 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho gần 66.000 hội viên.

Về hoạt động hỗ trợ vốn, từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp với tổng số tiền 53,270 tỷ đồng, Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình đã đầu tư cho 9.945 hộ hội viên vay vốn với 754 mô hình; tín chấp với 3 tổ chức ngân hàng cho trên 52.200 lượt hộ vay với số tiền 3.747 tỷ đồng; kết nối hỗ trợ tiêu thụ gần 1.300 tấn nông sản cho hội viên nông dân. Từ sự đồng hành, hỗ trợ của các cấp Hội đã góp phần quan trọng giúp có ngày càng nhiều tấm gương sản xuất, kinh doanh giỏi trong các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh dịch vụ... Trong nhiệm kỳ qua, Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình có 181.933 hộ được công nhận đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Trong đó, có 173.651 lượt hộ với thu nhập dưới 500 triệu đồng; 7.139 lượt hộ từ 500 triệu đến dưới 1 tỷ đồng; 1.143 lượt hộ trên 1 tỷ đồng/năm.

Trong nhiệm kỳ qua, Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình vận động, hướng dẫn thành lập mới 72 hợp tác xã, 329 tổ hợp tác, 94 chi hội nông dân nghề nghiệp, 606 tổ hội nông dân nghề nghiệp; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân thông qua việc xây dựng và duy trì 10 cửa hàng nông sản an toàn tại các huyện, thành phố làm điểm trưng bày, giới thiệu, mua bán, liên kết sản phẩm OCOP, sản phẩm an toàn trong và ngoài tỉnh./.