DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng, chống dịch bệnh động vật các tháng cuối năm 2021

17/09/2021 00:00
Ngày 17/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng, chống dịch bệnh động vật các tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Dự và chủ trì tại điểm cầu Hà Nội, có đồng chí Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT. Tham dự tại điểm cầu tỉnh Hòa Bình, có đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cũng lãnh đạo các sở, ngành chức năng.
Đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hòa Bình

Từ đầu năm 2021 đến nay, công tác phòng, chống dịch bệnh động vật đã cơ bản được kiểm soát tốt tạo điều kiện thuận lợi cho ngành chăn nuôi phát triển đặc biệt là các dịch bệnh động vật trên cạn. Trong đó: Tổng đàn gia cầm đạt hơn 515 triệu con, tổng đàn lợn là hơn 26 triệu con, đàn bò tăng 1,8%; tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt trên 4,5 triệu tấn, sản lượng trứng gia cầm đạt 11,4 tỷ quả, tăng 5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì tình hình dịch bệnh từ đầu năm đến nay có nhiều diễn biến phức tạp, một số ổ dịch lây lan nhanh trong phạm vi toàn quốc như: Dịch bệnh tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 1.498 xã của 50 tỉnh, thành phố, buộc phải tiêu hủy hơn 93 nghìn con lợn. Bệnh viêm da nổi cục đã xảy ra tại 3.936 xã của 51 tỉnh, thành phố, buộc phải tiêu hủy trên 24 nghìn con. Đối với nuôi trồng thủy sản, tổng diện tích bị thiệt hại ước khoảng trên 16 nghìn ha, giảm 58,8% so với cùng kỳ năm 2020; chủ yếu thiệt hại trên tôm nuôi.

Dự báo trong những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, nguy cơ các loại dịch bệnh động vật xảy ra là rất cao, do đó để tránh tình trạng dịch chồng dịch, Bộ NN&PTNT đề nghị: Các địa phương cần tập trung mọi nguồn lực, bố trí nguồn kinh phí để mua vắc xin, đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng đạt tối thiểu từ 80% trở lên; tăng cường công tác tuyên truyền cũng như kiểm tra, giám sát để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh không để lây lan diện rộng; có các hình thức hỗ trợ phù hợp để hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn cho các hộ nuôi trồng thủy sản, các doanh nghiệp đặc biệt là các địa phương đang áp dụng giãn cách xã hội không để gián đoạn chuỗi cung ứng vật tư đầu vào phục vụ sản xuất và công tác phòng chống dịch. Cùng với đẩy mạnh tiêm phòng vắc xin thì ngành Thú y cũng như các địa phương cũng cần quan tâm xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh, coi đây là một trong 2 giải pháp quan trọng giúp kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, qua đó đảm bảo hoàn thành mục tiêu trong năm 2021./.