Năm 2021, Bộ Nông nghiệp và PTNT và các địa phương đã chủ động xây dựng sớm kế hoạch sản xuất với các giải pháp cụ thể, linh động và bám sát thực tế sản xuất. Có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tích tụ ruộng đất, xây dựng chuỗi giá trị… Dự báo sớm, sát tình hình nguồn nước, diễn biến thời tiết, khí hậu, sâu bệnh và đưa ra các giải pháp ứng phó kịp thời hiệu quả. Hệ thống các công trình thủy lợi, đê điều và hạ tầng đồng ruộng được đầu tư nâng cấp. Nhiều tiến bộ kỹ thuật mới được tuyên truyền, khuyến cáo nông dân áp dụng vào sản xuất...Việc cung ứng vật tư đáp ứng đầy đủ yêu cầu sản xuất. Nhiều địa phương, doanh nghiệp tổ chức khá tốt các dịch vụ hỗ trợ nông dân và thu mua tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh Covid 19 tiếp tục là khó khăn lớn nhất, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống xã hội, trong đó trực tiếp ảnh hưởng đến sản xuất trồng trọt như giá vật tư đầu vào tăng, mặt hàng rau các loại lưu thông tiêu thụ bị hạn chế...
Tổng diện tích gieo cấy vụ Đông Xuân 2020-2021 ước đạt 1.087 nghìn ha, giảm khoảng 10 nghìn ha so với vụ cùng kỳ năm trước. Năng suất ước đạt khoảng 64,2 tạ/ha (tăng 1,6 tạ/ha so với vụ Đông Xuân 2019-2020). Sản lượng lúa toàn miền Bắc ước đạt 6,983 triệu tấn.Diện tích gieo cấy lúa vụ Hè Thu, vụ Mùa 2021 tại các tỉnh phía Bắc ước đạt 1,217 triệu ha (giảm khoảng 8 nghìn ha so với năm 2020); năng suất trung bình ước đạt 52,9 tạ/ha (tăng 1,4 tạ/ha so với năm 2020), sản lượng đạt 6,435 nghìn tấn (tăng 129 nghìn tấn so với năm 2020).
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia vụ Đông Xuân 2021-2022 có thời tiết khí hậu lạnh, cần bố trí thời vụ, cơ cấu giống để đảm bảo lúa trỗ vào thời gian an toàn tránh ảnh hưởng của đợt rét cuối của rét nàng Bân, đặc biệt là các tỉnh ĐBSH, TDMNPB.
Tại hội nghị, các đại biểu đại diện các đơn vị đã báo cáo làm rõ thêm công tác chỉ đạo, dự báo, kết quả sản xuất trong từng ngành, lĩnh vực. Tham gia ý kiến tại điểm cầu tỉnh Hòa Bình, đồng chí Đinh Công Sứ đánh giá chung trong năm 2021, diện tích và sản lượng của tỉnh đều đạt kế hoạch đã đề ra. Chuyển đổi được trên 2 ngàn ha đất trồng lúa, trồng màu kém hiệu quả sang các cây trồng có giá trị cao hơn. Tiêu thụ nông sản thuận lợi, nhiều mặt hàng được giá cao. Các sàn thương mại điện tử đã vào cuộc tích cực góp phần tiêu thụ tốt sản phẩm; đã cấp 14 mã số vùng trồng 07 cơ sở đóng gói...Để duy trì đà tăng trưởng trong bối cảnh dịch Covid-19 trong thời gian tới, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách, đề án, kế hoạch để thúc đẩy sản xuất; hỗ trợ liên kết và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; tái canh cây có múi; phát triển thị trường xuất khẩu nông sản chủ lực. Kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Hòa Bình đề nghị Bộ hỗ trợ tỉnh thực hiện các Đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt; hỗ trợ nguồn lực cho chuyển đổi số trong nông nghiệp; sớm triển khai kế hoạch cấp mã số vùng trồng cho các cây trồng chủ lực...
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ghi nhận nỗ lực, cố gắng của các địa phương, bà con nông dân và doanh nghiệp đã vượt khó, hoàn thành chỉ tiêu trong lĩnh vực trồng trọt. Thứ trưởng đề nghị: Thời gian tới, các đơn vị, địa phương tăng cường công tác chỉ đạo sản xuất, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn, chính quyền đoàn thể kịp thời, quyết liệt, bám sát kế hoạch sản xuất đặc biệt kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Chỉ đạo thời vụ gieo cấy, cơ cấu giống phù hợp với tình hình thời tiết, diễn biến thị trường. Triển khai các biện pháp tưới tiết kiệm nước, đảm bảo đủ nước phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2021- 2022. Theo dõi sát diễn biến thời tiết, sâu bệnh cũng như tình hình sản xuất, xử lý kịp thời tình huống do thiên tai, dịch bệnh gây ra nhằm giảm thiểu thiệt hại. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, khuyến cáo và nhân rộng kịp thời phổ biến áp dụng các TBKT về giống, phân bón mới; mô hình ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất, các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng có hiệu quả…Có phương án sản xuất, cung ứng giống cây trồng đảm bảo đủ số lượng, chất lượng phục vụ kịp thời nhu cầu của người dân. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra vật tư nông nghiệp như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, ngăn chặn tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng gây thiệt hại cho nông dân, đảm bảo cung cấp các vật tư nông nghiệp đạt yêu cầu về chất lượng…/.