DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Hòa Bình được quy hoạch nằm trong vùng phát triển nông nghiệp bền vững phía tây

27/05/2021 00:00
Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 2226, ngày 21/5/2021 về Phê duyệt Đề án “Phát triển nông nghiệp một số tỉnh phía Tây vùng Trung du và miền núi phía Bắc theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Cây ăn quả có múi vẫn được xác định là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Hòa Bình trong giai đoạn 2021 - 2025

Theo đó, phạm vi của đề án gồm 7 tỉnh gồm: Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ.

Trong đó, đề án khuyến khích và ưu tiên hỗ trợ phát triển các mô hình hợp tác, liên kết sản xuất tại 07 tỉnh phía Tây vùng Trung du và miền núi phía Bắc đến năm 2025 và 2030 đối với những sản phẩm như: lúa gạo chất lượng cao, rau các loại, ngô, sắn, khoai, chè, cà phê, quả các loại, cây dược liệu, hoa, cây cảnh, gỗ và lâm sản ngoài gỗ, sản phẩm chăn nuôi (trâu, bò, lợn, gia cầm, ong), sản phẩm thủy sản (cá nước lạnh, cá và thủy sản nuôi lồng...). Đến năm 2025 và năm 2030, phần lớn diện tích đất chưa sử dụng của các địa phương sẽ được khai thác, đưa vào sử dụng để phát triển sản xuất, từng địa phương tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực đặc trưng.

Đề án này được xây dựng nhằm phát triển nông nghiệp vùng này phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021- 2025 của cả nước, kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo thống nhất với các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, ngành, lĩnh vực, gắn phát triển kinh tế, xã hội và môi trường để phát triển bền vững.

Mục tiêu của đề án nhằm xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, sản xuất an toàn, hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị bền vững. Phát triển các cây trồng, vật nuôi có lợi thế của vùng; tổ chức sản xuất hàng hóa lớn gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, giá trị, hiệu quả kinh tế, sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và xuất khẩu; nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân nông thôn, góp phần đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Bảo vệ và phát triển rừng bền vững, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu cụ thể: Tốc độ tăng trưởng GRDP nông lâm thủy sản bình quân của vùng giai đoạn 2021 – 2025 đạt khoảng 4,0- 4,5%/năm, giai đoạn 2026 – 2030 từ 3,5 - 4%/năm. Tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành của vùng giai đoạn 2021 – 2025 đạt khoảng 4,5%-4,8%/năm; giai đoạn 2026 – 2030 từ 4,0% - 4,5%/năm…. Tỷ lệ che phủ rừng toàn vùng đến năm 2025 đạt khoảng 51,0%, năm 2030 đạt khoảng 54% - 55%. Giá trị sản lượng bình quân/1 ha đất trồng trọt đến năm 2025 đạt khoảng 120 - 180 triệu đồng, đến năm 2030 đạt khoảng 200 - 250 triệu đồng. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng chế biến nông sản đạt bình quân 7% - 8%/năm, giá trị hàng nông sản qua chế biến sâu tăng 5% - 7%/năm; tỷ trọng nông sản chế biến trong tổng giá trị hàng nông sản xuất khẩu đạt 50% - 60%; 50% số cơ sở chế biến hàng nông sản xuất khẩu chủ lực đạt trình độ công nghệ sản xuất tiên tiến. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông lâm thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết đến năm 2025 đạt khoảng 30% - 40% và đến năm 2030 đạt trên 50%./.