DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Hoà Bình: Thực hiện phát triển mạnh mẽ thị trường nông sản

09/12/2016 00:00
Từ năm 2007 đến nay, tỉnh Hoà Bình đã triển khai nhiều chương trình hành động phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao năng lực sản xuất; cụ thể hoá chương trình hành động của Chính phủ sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) cũng như ban hành các chính sách phát triển thị trường nông, lâm thuỷ sản. Nhờ đó, tổ chức bộ máy dần được kiện toàn, quy trình sản xuất và chất lượng nông sản từng bước được chuẩn hoá theo tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế; hướng tới VSATTP. Năng lực cạnh tranh một số sản phẩm chủ lực của tỉnh như: cam, mía, cá sông Đà, gà đồi, lợn bản được nâng cao có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trong nước và hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Quy mô sản xuất chuyển dần từ nhỏ lẻ sang tập trung sản xuất sản phẩm có lợi thế. Hình thức sản xuất hợp tác, liên kết tăng; thành phần kinh tế tư nhân tham gia sâu rộng khuyến khích sản xuất nông sản phát triển.
UBND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển nuôi cá lồng vùng hồ thủy điện Hòa Bình với thế mạnh là các loài trắm, trôi, chép, mè, lăng chấm, rô phi, dầm xanh

 Để tổ chức phát triển sản xuất, tỉnh Hoà Bình đã phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện: Quy hoạch tổng thể phát triển ngành nông nghiệp; các quy hoạch phát triển ngành: chăn nuôi, thuỷ sản, sản xuất chè, cà phê, sản xuất mía, 3 loại rừng, bảo vệ và phát triển rừng, các tuyến đê xung yếu, phòng chống lũ cho các tuyến sông có đê, đê điều, cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn, ngành nghề nông thôn, vùng và khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất cam an toàn tập trung, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, vùng sản xuất rau an toàn tập trung, 4 khu bảo tồn thiên nhiên.

Công tác xúc tiến thương mại được quan tâm, đã thành lập Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Hoà Bình. Tổ chức nhiều sự kiện nhằm quảng bá tiêu thụ sản phẩm như: Hội chợ thương mại, hội nghị xúc tiến đầu tư, tham gia triển lãm tại các tỉnh, tổ chức lễ hội cam Cao Phong…

Trong quản lý thị trường, giảm thiểu hàng hoá chất lượng kém tiêu chuẩn. Các quy trình, tiêu chuẩn sản xuất sản phẩm chủ lực được đăng tải và phổ biến đến người sản xuất trong tỉnh. Tỷ lệ cơ sở sản xuất nông, lâm thuỷ sản đạt loại C giảm dần, tỷ lệ mẫu được kiểm tra đánh giá tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm tăng dần qua các năm.

Hiện nay, giá trị sản xuất hiện hàng ngành nông lâm thủy sản đạt 10,28 nghìn tỷ đồng, chiếm 23% giá trị tổng sản xuất phân theo ngành kinh tế của tỉnh; GRDP ngành nông, lâm thủy sản chiếm 22% tổng sản phẩm nền kinh tế. Sản phẩm chăn nuôi chính gồm thịt trâu, lợn, bò, gà, trứng gia cầm. Trong lĩnh vực trồng trọt, sản lượng cây lương thực hạt khoảng 36 vạn tấn/năm. Sản lượng cá nuôi trồng và gỗ khai thác tăng dần qua các năm. Trên địa bàn có 3 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi với công xuất 480 nghìn tấn/năm và 3 xưởng chế biến chè. Có 3 nhà máy chế biến MDF công xuất 250 nghìn m³/năm, 2 nhà máy chế biến tre ép công nghiệp công xuất 200 nghìn m³/năm, 2 nhà máy chế biến viên nén công nghiệp đầu tư trên địa bàn đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản.

Tuy nhiên, thị trường nông sản tỉnh còn một số bất cập như: Sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập còn thấp; quy mô sản xuất một số sản phẩm chủ lực chưa đủ lớn; thành phần sản xuất cá thể còn nhiều; liên kết, hợp tác sản xuất còn rời rạc; tỷ lệ sản xuất kinh doanh đạt loại A còn thấp; nông sản chủ yếu được bán thô, hàm lượng KHKT, giá trị tích lũy trong sản phẩm thấp; giá trị tăng thêm mới tập trung tại khâu sản xuất, khu vực có lợi nhuận thấp.

Những bất cấp trên là do xuất phát điểm nền sản xuất nông nghiệp tỉnh thấp; các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư chưa thực sự hấp dẫn, còn nhiều rủi ro; tư tưởng cá thể còn phổ biến…nên chưa tạo ra sức mạnh tập thể, công tác nghiên cứu phát triển thị trường sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức, chưa giao cho một tổ chức cụ thể.

Trong thời gian tới, để phát triển thị trường nông sản cần phải xem xét quan điểm tổng thể từ khâu tìm kiếm thị trường, quy hoạch sản xuất, tổ chức sản xuất, giám sát, lưu thông trên thị trường và hậu mãi; huy động sự tham gia và phát huy vai trò tiên phong của thành phần kinh tế tư nhân nhất là các tập đoàn kinh tế lớn để có thể tập hợp, phát huy tiềm năng, lợi thế thành phần kinh tế cá thể; tăng hàm lượng tri thức, giá trị kết tinh theo chuỗi giá trị sản phẩm, nhất là trong khâu chế biến lưu thông; đẩy mạnh tìm kiếm, mở rộng và duy trì thị trường sản phẩm chủ lực, lợi thế của tỉnh.