DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Hòa Bình: Thanh Long ruột đỏ “leo đồi”

18/09/2013 00:00
Theo con đường bê tông dẫn vào thôn Kim Lý ( xã Tu Lý- huyện Đà Bắc), chúng tôi có dịp tới tham quan mô hình kinh tế mới của gia đình anh Cấn Văn Hữu với hơn 150 trụ Thanh Long ruột đỏ đương mùa đơm hoa ra trái.

Là  người quê gốc Thạch Thất ( Hà Tây cũ ) lên khai hoang ở Đà Bắc từ những năm 1985, trải qua nhiều nghề từ làm nông cho đến làm thợ, cuộc sống có phần bấp bênh. Sau một lần về quê thăm nom họ hàng, có người bà con đang trồng Thanh long ruột đỏ sinh trưởng phát triển tốt, anh nhận thấy đây  là loại cây trồng mới hiệu quả, anh mạnh dạn mua 600 hom giống mang lên vùng cao để trồng thử. Anh bộc bạch : Từ suy nghĩ  “ ở Đà Bắc thanh long ruột trắng còn ra quả được huống gì loại ruột đỏ này”, đến nay sau gần 4 năm đổ tâm huyết, mồ hôi công sức vườn Thanh Long đã cho hoa sai “.ngoài sức tưởng tượng”.

Vườn Thanh Long nhà anh nằm thoai thoải theo sườn đồi, được trồng thành hàng lối thẳng tắp. Chia sẻ về kỹ thuật trồng anh cho biết : Trồng Thanh Long phải đầu tư đổ cột bê tông làm trụ cho bền và cứng,cho leo lên cột gỗ nhanh đổ mục,mỗi trụ cao 2,5m, cần trồng 4 cành giống cố định 4 mặt cột, rễ ký sinh ra tới đâu cây bám cột tới đó. Khoảng cách hàng và cây cách nhau chừng 2,5m dễ đi lại chăm sóc.

 Dưới gốc làm cỏ sạch và bón phân định kỳ,nếu không có điều kiện làm cỏ thì nên làm đường danh giới bằng gạch, ngói xung quanh gốc tránh cỏ dại mọc tràn vào ăn tranh phân bón của Thanh Long. Những tưởng Thanh long chỉ sống ở vùng nắng nóng nhiều như miền Nam, vậy mà lại là cây dễ trồng, thích nghi rộng với khí hậu , đất đai, nhất là các đợt rét vào mùa đông không gây ảnh hưởng gì tới sự phát triển của cành. Sâu bệnh hại rất ít, chủ yếu diệt trừ ốc sên leo lên gặm cây, gặm mầm non.

 Với kinh nghiệm tự học hỏi được trên ti vi, sách báo, sau trồng 2 năm vườn Thanh Long nhà anh đã bắt đầu cho quả, mặc dù mới là vụ quả bói nhưng nó đã trả ơn người trồng một cách xứng đáng với 1,2 tấn quả. Gia đình anh bước đầu có thu nhập khá để đầu tư  quay vòng trở lại vốn đầu tư ban đầu.. Sự trăn trở của anh với bài toán đầu ra đã có lời giải bởi mùi thơm đặc trưng, vị ngọt mát của Thanh long ruột đỏ được người tiêu dùng ưa chuộng. Ban đầu là bán ở chợ phiên, chợ huyện, lâu dần khách ăn quen người nọ rỉ tai người kia tìm tới tận nhà mua, hiện tại đầu ra đang khá ổn định. Đến năm nay, sau gần 4 năm bén rễ vùng cao,Thanh Long ruột đỏ thực sự mang lại nguồn thu chính cho anh Hữu. Anh cho hay : từ đầu vụ ( tháng 4) đến bây giờ, vườn Thanh long đã cho thu 3- 4 lứa quả, có quả to nặng 7 lạng ( 0,7Kg)/quả, trung bình 0,3- 0,4 kg/quả. Mỗi trụ cho thu khoảng 18- 22 kg quả, mỗi năm cành tán to ra  năng suất quả sẽ tăng dần lên.Thu tới tháng 10 là hết vụ .Ước tính 150 trụ Thanh long cho thu  gần 3,5 tấn quả. Giá bán còn tùy thuộc phân loại kích cỡ quả, loại quả to 40.000đ/kg, loại bình thường 25.000- 30.000đ/kg. Sau khi trừ chi phí còn lãi 80 triệu đồng.

Ngoài số tiền thu được từ bán quả, anh còn nhân giống bán cho bà con trong vùng với giá 10 .000-12.000đ/hom giống đã mọc mầm. Nhận thấy Thanh Long ruột đỏ mang lại thu nhập khá một số hộ trong thôn cũng học tập theo mô hình, trong đó có hộ ông Cấn văn Minh trồng 50 trụ đã cho thu hoạch trên 1tấn quả, lãi ròng 30 triệu đồng.

Việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng vật nuôi phù hợp với điều kiện kinh tế, khí hậu thổ nhưỡng sẽ góp phần đưa bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, người nông dân có thu nhập ổn định tiến tới làm giàu bền vững./.