Điển hình như gia đình anh Phạm Văn Trung thôn 3 – 2B, xã Thành Lập, huyện Lương Sơn (Hòa Bình) đã mạnh dạn đưa giống bồ câu Pháp về nuôi tại gia đình. Thăm mô hình nuôi chim, anh Trung vừa cho ăn và cho biết: Trước kia tại chuồng nuôi chim này đã từng là nơi nuôi gà. Có những năm anh đầu tư nuôi vài nghìn con gà, tuy nhiên giá cả bấp bênh, dịch bệnh thì hay xảy ra nhiều khiến anh nhiều lúc cũng thấy nản. Từ đó gia đình anh cũng chăn nuôi gà ít đi và chuyển sang nuôi chim bồ câu Pháp.
Vào tháng 2/2015 anh Trung đã biết đến con chim bồ câu Pháp mà nhiều nơi đã nuôi thành công. Nhận thấy đây là một mô hình hay, bởi vốn đầu tư ít và dễ làm nên anh đã mạnh dạn đầu tư nuôi thử. Để có con giống tốt anh đã tìm đến trại giống ở Chương Mỹ (Hà Nội) để mua 28 đôi với giá 260.000/1 đôi. Vừa nuôi vừa học hỏi đồng thời tìm hiểu thêm trên mạng Internet, sách kỹ thuật và quan trọng ban đầu là dành nhiều thời gian để quan sát tập tính của loài bồ câu này. Nhờ vậy mà anh nắm chắc được kiến thức khi nuôi.
Với 28 đôi chim bồ câu Pháp đến nay anh Trung đã nâng tổng số lên 160 đôi. Với khoảng 80 ô lồng nuôi, mỗi ô nuôi 1 đôi (1 cái, 1 đực) Việc nuôi chim bồ câu không tốn nhiều diện tích, các lồng nuôi của gia đình anh được thiết kế bằng khung sắt bao quanh là mắt lưới nhỏ. Ngoài lồng nuôi thì khu vực nuôi cũng rất quan trọng, chuồng nuôi chim bồ câu phải thoáng mát thì chim mới mau lớn, nơi có ánh sáng mặt trời, khô ráo, sạch sẽ, tránh gió lùa, tránh ồn ào…
Nuôi chim bồ câu không tốn kém về thức ăn so với các con vật khác, chúng ăn rất đơn giản chủ yếu là thóc gạo, ngô, đậu tương…và mỗi ngày chỉ cho ăn 2 lần là sáng và chiều tối. Ngoài ra, có thể cho ăn thêm cám công nghiệp (cám gà đẻ) và cho ăn bổ xung cám vào thời kỳ mà chim trưởng thành sắp đẻ. Theo tính toán của anh Trung thì một con chim ăn hết khoảng từ 30.000 – 45.000 đồng là cho xuất bán. Với giá bán thịt 150.000đồng/1 đôi; giá giống 250.000đồng/1đôi.
Chim bồ câu Pháp nuôi 6 tháng là bắt đầu sinh sản, một cặp bồ câu có thể đẻ tới 7 – 8 lứa/1 năm, mỗi lần đẻ 2 trứng. Từ lúc ấp trứng nở nuôi đến 28 ngày gọi là chim ra ràng, lúc này tách chim khỏi mẹ để nuôi riêng và nuôi khoảng 1,5 tháng là cho bán. Chính vì vậy với 160 đôi chim nên gia đình anh Trung lúc nào cũng có chim giống, chim thịt xuất chuồng cứ gối đầu nhau.
Theo kinh nghiệm nuôi anh Phạm Văn Trung cho biết thêm: Nuôi con chim bồ câu Pháp này dễ nuôi hơn nuôi gà mà sức đề kháng bệnh của chúng cao, hiếm khi xảy ra dịch bệnh. Chỉ cần làm tốt công tác vệ sinh chuồng trại, máng ăn, máng uống, thức ăn không bị ôi thiu ẩm mốc là chim không bị bệnh tật và nhanh lớn. Cho đến hiện tại đầu ra của sản phẩm là thuận lợi bởi thịt chim giàu dinh dưỡng, thơm ngon, lại có giá thành vừa phải.
Thời gian tới anh Trung đang có ý định mở rộng quy mô nuôi, tuy nhiên khi mở rộng thêm thì điều quan tâm nhất với anh là thị trường. Bởi nuôi ít như bây giờ thì đầu ra yên tâm, nhưng khi nhân số đàn nên liệu sẽ như thế nào? Đây là câu hỏi mà anh đang phải suy nghĩ. Mong rằng khi anh mở rộng mô hình nuôi chim bồ câu pháp sẽ thuận lợi, được nhiều thương lái biết tới./.