DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Hòa Bình tập trung phát triển vùng cây ăn quả chủ lực vùng Tây Bắc

11/02/2022 00:00
Theo Quyết định số 5018, ngày 24/12/2021 của Bộ Nông nghiệp và PTNT Phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững cây ăn quả các tỉnh vùng Tây Bắc đến năm 2030”, tỉnh Hòa Bình có một số cây trồng chủ lực được lựa chọn để quy hoạch phát triển.
Huyện Tân Lạc được quy hoạch là vùng trồng bưởi chủ lực của tỉnh Hòa Bình, sản phẩm cây ăn quả chủ lực vùng Tây Bắc

Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu phát triển bền vững ngành hàng cây ăn quả vùng Tây Bắc, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định đời sống nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh trong vùng. Định hướng quy mô diện tích cây ăn quả các loại vùng Tây Bắc đến năm 2030 khoảng 138 ngàn ha, trong đó tỉnh Sơn La chiếm tỷ trọng cao nhất, tiếp đến là Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu và Điện Biên. Các loại cây ăn quả chủ lực trong vùng gồm: Xoài, nhãn, chuối, dứa, cam, bưởi, chanh leo và nhóm cây ăn quả ôn đới.

Giai đoạn từ nay đến năm 2030, đối với tỉnh Hòa Bình, phát triển vùng trồng tập trung các cây sau: Cây  nhãn tại Lạc Thủy, cây chuối tại Lương Sơn, Kim Bôi, cây cam tại Cao Phong, bưởi Tân Lạc, chanh leo tại Mai Châu.

Từ nay đến năm 2030 giữ ổn định diện tích trồng cam toàn vùng khoảng 11-12 ngàn ha, tập trung trồng tạo các huyện Cao Phong (Hòa Bình), Mường Khương (Lào Cai), Văn Chấn (Yên Bái). Nâng cao tỷ lệ các giống cam mới có khả năng sinh trường khỏe, ít hoặc không hạt, năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp cho ăn tươi và chế biến; bố trí hợp lý bộ giống cam rải vụ thu hoạch, kế hợp ứng dụng biện pháp kỹ thuật để kéo dài thời gian thu hoạch từ 6-7 tháng. Từng bước trồng thay thế các vườn cam già cỗi, nhiễm bệnh, năng suất và hiệu quả thấp bằng các giống mới đảm bảo chất lượng, sạch bệnh; áp dụng quy trình tái canh, hạn chế tái nhiễm bệnh; áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến, kỹ thuật phòng chống các loại sâu bệnh, bệnh nguy hại, đặc biệt là bệnh vàng lá thối rễ.

Đến năm 2025 diện tích bưởi toàn vùng khoản 11 ngàn ha, sản lượng 130 ngàn tấn, đến năm 2030 diện tích khoảng 12,5 ngàn ha, sản lượng khoảng 150 ngàn tấn. Vùng trồng bưởi tập trung tại các huyện Tân Lạc, Kim Bôi, Lương Sơn (Hòa Bình). Tăng tỷ lệ các giống bưởi mới ít hạn, có năng suất, chất lượng tốt, phù hợp với thị trường xuất khẩu quả tươi và chế biến nước quả; bố trí hợp lý bộ giống bưởi rải vụ thu hoạch, kết hợp ứng dụng biện pháp kỹ thuật để kẻo dài thời gian thu hoạch từ 5 – 6 tháng. Sử dụng cây giống đảm bảo chất lượng, sạch bệnh; áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến, kỹ thuật phòng chống các loại sâu, bệnh hại nguy hiểm, đặc biệt là bệnh vàng lá thối rễ.

Duy trì phát triển cây chanh leo trên toàn vùng với diện tích khoảng 4 ngàn ha, sản lượng 50 – 60 ngàn tấn (năm 2025), trong đó tại Hòa Bình tập trung trồng tại huyện Mai Châu. Thực hiện mở rộng diện tích sản xuất chanh leo theo quy trình sản xuất tiên tiến, sản xuất hữu cơ, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm cây ăn quả; phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp định hướng quy mô vùng trồng các loại cây ăn quả; thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết sản xuất cây ăn quả từ xây dựng vùng trồng đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Xác định HTX có vai trò cầu nối quan trọng để xây dựng liên kết bền vững giữa doanh nghiệp với hộ sản xuất cây ăn quả. Các địa phương cần chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, nâng cao chất lượng hoạt động và tăng cường năng lực cho HTX. Đối với hộ gia đình, cần chủ động liên kết với doanh nghiệp thông qua HTX để hình thành vùng sản xuất cây ăn quả tập trung, gắn với xây dựng mã số vùng trồng truy xuất nguồn gốc và tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả. Đồng thời, tích cực tham gia các khóa đào tạo nghề làm vườn, tăng cường kỹ năng sản xuất, kiến thức thị trường về cây ăn quả. Tiếp tục quan tâm đầu tư về khoa học công nghệ, thu hút đầu tư để phát triển các vùng trồng cây ăn quả nhằm đạt mục tiêu đến năm 2025 diện tích cây ăn quả chủ lực vùng Tây Bắc được áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, hữu cơ đạt từ 20 – 30%; 15-25% diện tích được cấp mã vùng trồng; giá trị kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm cây ăn quả toàn vùng đạt khoảng 150 – 160 triệu USD; đến năm 2030 giá trị kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm cây ăn quả toàn vùng đạt khoảng 180 – 200 triệu USD./.