Tỉnh ta có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển chăn nuôi như: thị trường tiêu thụ lớn, có diện tích đất tự nhiên, vùng sinh thái đa dạng; kinh nghiệm và sự sáng tạo của người dân trong phát triển sản xuất. Tỉnh còn có giống lợn bản địa, gà đồi, vịt Bầu Bến với nguồn gen quý hiếm kết hợp với văn hoá truyền thống, du lịch. Bước đầu đã hình thành cùng sản xuất hàng hoá tập trung như chăn nuôi lợn thịt, lợn giống, gà đẻ trứng, gà thịt ở các huyện Lương Sơn, Lạc Thuỷ, Yên Thuỷ…Trang trại chăn nuôi ngày càng phát triển, chăn nuôi đã là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân. Tuy nhiên chăn nuôi còn phân tán, nhỏ lẻ, chủ yếu là hình thức hộ gia đình, thiếu quy hoạch phát triển, hoạt động xúc tiến thương mại, chế biến sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức. Vai trò của doanh nghiệp, HTX trong lĩnh vực này còn yếu, cơ chế, chính sách chưa hấp dẫn các nhà đầu tư lớn, nhất là lĩnh vực sản xuất thức ăn, chế biến sản phẩm.
Thực hiện theo quy hoạch phát triển chăn nuôi, năm 2016, toàn tỉnh ta có trên 109 nghìn con trâu, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 2.380 tấn, chủ yếu là giống trâu Gié (chiếm 80%), giống châu Ngố (chiếm 20%); có trên 63 nghìn con bò thịt, chủ yếu là bò vàng Thanh Hoá (chiếm 60%), bò lai Sind và lai Zebu (chiếm 40%); 248 con bò sữa, sản lượng sữa tươi đạt 429 tấn, tỷ lệ tăng bình quân tương ứng 10,6%/năm và sản lượng sữa tăng bình quân 12,6%/năm; 629 nghìn con lợn, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt trên 32 nghìn tấn, tăng so với năm 2015 là 6,6%. Từ năm 2015 – 2016 có 34 trang trại chăn nuôi lợn nái và hậu bị huy mô khép kín từ 300 – 3.000 con, cung cấp khoảng 322.500 con lợn giống và 51.100 con lợn hậu bị/năm). Về gia cầm, năm 2016 sản xuất đạt 5,7 triệu con với 45 trang trại chăn nuôi gà thương phẩm với tổng số 561 nghìn con/lứa và 14 trang trại chăn nuôi gà giống, đẻ trứng và hậu bị, mỗi năm sản xuất trên 7 triệu con gà giống và 16 triệu quả trứng. Ngoài ra, sản lượng dê năm 2016 đạt 33,5 nghìn con, chủ yếu là dê cỏ.
Trên địa bàn tỉnh có 04 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi với tổng công suất khoảng 655 nghìn tấn/năm và 255 cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi công nghiệp; thức ăn chăn nuôi truyền thống (nông hộ) chủ yếu sử dụng các nguyên liệu sẵn có ở địa phương; có 01 cơ sở giết mổ tại thành phố Hoà Bình và 487 điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, thủ công, tự phát tại hộ gia đình, chưa có nhà máy chế biến các sản phẩm từ chăn nuôi. Trong giai đoạn từ 2006 – 2016, tỉnh ta đã xảy ra một số loại dịch bệnh gây thiệt hại tương đối lớn về kinh tế. Hiện nay, chăn nuôi tập trung công nghiệp của tỉnh đã đầu tư hệ thống quy trình sản xuất khép kín từ khâu chuồng trại, sản xuất thức ăn, chủ động nguồn con giống đến bao tiêu sản phẩm đầu ra tạo thành chuỗi, đã áp dụng các tiến bộ về giống thức ăn, công nghệ chăn nuôi. Công tác quản lý quy trình chăn nuôi, phòng bệnh được thực hiện tốt. Chăn nuôi nông hộ bước đầu đã có sử dụng thức ăn hỗn hợp, thức ăn đậm đặc.
Dự báo trong những năm tới, ngành chăn nuôi sẽ gặp phải những thách thức: giá thành sản phẩm cao, cạnh tranh sản phẩm ngày càng gay gắt; dịch bệnh và rủi ro từ thiên tai; yêu cầu về vệ sinh ATTP, xử lý môi trường ô nhiễm từ chăn nuôi phải được đảm bảo. Vì vậy, việc khai thác tiềm năm, lợi thế, khắc phục những hạn chế, thích ứng với yêu cầu phát triển KT-XH, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững ngành chăn nuôi là một trong những hướng đi có tính lâu dài của tỉnh, được xác định với mục tiêu và giải pháp cụ thể, nhằm tạo thành vùng sản xuất hàng hoá tập trung theo chuỗi giá trị, phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh tiểu vùng và các loại giống bản địa, đặc sản, tổ chức lại sản xuất thông qua việc liên kết, tìm ra đầu ra cho sản phẩm, tăng sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường với mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái, tạo công ăn việc làm tăng thu nhập cho người chăn nuôi.