Trong đó diện tích quy hoạch cho rừng sản xuất là: 149 nghìn ha, trong đó: 26 nghìn ha rừng tự nhiên; 69 nghìn ha rừng trồng 52 nghìn ha đất trống để phát triển rừng. Hiện trạng rừng trồng sản xuất hiện có theo giống, loài cây trồng: Tại tỉnh Hòa Bình, rừng trồng sản xuất chủ yếu là các loài Keo có 57 nghìn ha chiếm tới 60% diện tích rừng sản xuất; tiếp đến là Bương, Luồng có 16 nghìn ha chiếm 17%; và những loài cây khác như: Bạch đàn, Bồ đề, Mở, Giổi, Quế….
Định hướng ưu tiên phát triển trồng rừng gỗ lớn, tỉnh đã ban hành các Nghị quyết quyết định về phát triển bền vững rừng sản xuất đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Phấn đấu đến năm 2025, hàng năm có 3.000 ha rừng trồng gỗ nhỏ chuyển hóa sang rừng kinh doanh gỗ lớn; 6.000 ha rừng trồng thâm canh gỗ lớn bằng cây giống chất lượng cao; năng suất rừng trồng tăng lên 1,3 lần; sản lượng gỗ trung bình đạt 150 m3/ha/chu kỳ. Đến năm 2030 có trên 90% diện tích rừng sản xuất là rừng trồng kinh doanh gỗ lớn.
Năm 2013, toàn tỉnh chỉ có 288 ha rừng gỗ lớn, đến năm 2021 đã có 4.611 ha rừng theo phương thức sản xuất kinh doanh gỗ lớn. Đến nay trên địa bàn toàn tỉnh đã trồng được khoảng 4.900 ha rừng sản xuất kinh doanh gỗ lớn. Những loài cây trồng rừng kinh doanh gỗ lớn hiện nay chủ yếu là Keo tai tượng, Giổi, Mỡ, Lát hoa, Tông dù…. và một số loài cây bản địa khác. Đến nay có khoảng 5.020 ha rừng kinh doanh gỗ nhỏ được các chủ rừng chuyển hóa sang kinh doanh gỗ lớn. Những năm gần đây, nhận thức của chính quyền cơ sở và của nhân dân về kinh doanh rừng trồng gỗ lớn đã có chuyển biến tích cực, một số huyện đã sử dụng kinh phí địa phương để xây dựng mô hình trồng rừng gỗ lớn nhằm tuyên truyền, lan tỏa, nhân rộng trong nhân dân như: Huyện Mai Châu, huyện Lạc Sơn, huyện Lạc Thủy, huyện Tân Lạc...
Theo thống kê thực tế, mỗi năm toàn tỉnh trồng được trên 7.000 ha, chủ yếu là rừng sản xuất với loài cây Keo tai tượng thực sinh. Việc áp dụng mô hình trồng rừng gỗ lớn có nhiều ưu điểm vượt trội, đặc biệt là hiệu quả kinh tế mang lại. Ước tính sau chu kỳ 10 - 12 năm, tổng doanh thu bình quân đạt 150 - 200 triệu đồng/ha; sau chu kỳ 15 năm có thể đạt 300 triệu đồng/ha; lợi nhuận thu về cao bằng 3-5 lần rừng trồng kinh doanh gỗ nhỏ. Ngoài ra chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn cũng góp phần cải thiện năng suất rừng trồng, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo, nhất là đối với đồng bào các dân tộc ít người vùng sâu, vùng xa của tỉnh.
Nhìn chung quy mô diện tích trồng rừng gỗ lớn tại tỉnh còn thấp (4.900 ha); bình quân mỗi năm diện tích trồng rừng kinh doanh gỗ lớn đạt khoảng 1.000 ha so với trên 7.000 ha diện tích trồng rừng của toàn tỉnh chỉ chiếm 14%. Với thực trạng này, tỉnh Hòa Bình cần nỗ lực rất nhiều mới đáp ứng được kỳ vọng về khả năng cung cấp nguyên liệu gỗ rừng trồng chất lượng cao cho các nhà đầu tư sản xuất đồ mộc hướng đến xuất khẩu. Để thu hút được một số nhà đầu tư chế biến gỗ tinh chế, quy mô lớn vào đầu tư, Hòa Bình có kế hoạch phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 36.000 ha rừng trồng gỗ lớn.
Khó khăn hiện nay, diện tích trồng rừng gỗ lớn tại tỉnh còn thấp, khả năng cung cấp nguyên liệu gỗ rừng trồng chất lượng cao cho sản xuất đồ mộc xuất khẩu hạn. Đời sống người dân còn khó khăn, thiếu vốn sản xuất trong khi chu kỳ kinh doanh rừng gỗ lớn dài nên không có nguồn lực để triển khai thực hiện. Diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) còn ít; chủ yếu là rừng gỗ nhỏ, chưa có nguồn nguyên liệu để thu hút được các doanh nghiệp lớn đầu tư vào chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh. Tính liên kết theo chuỗi từ khâu tạo giống đến chế biến, xuất khẩu giữa người trồng rừng với doanh nghiệp và thị trường còn yếu…những nguyên nhân này đã hạn chế phần nhiều việc phát triển, mở rộng cây gỗ lớn trên địa bàn tỉnh.
Để khắc phục những hạn chế trên, thời gian tới cần tăng cường tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật kinh doanh rừng gỗ lớn như: biện pháp kỹ thuật trồng, chăm sóc, tỉa thưa, và chuyển hóa rừng gỗ lớn cho các chủ rừng. Đẩy mạnh sản xuất nông lâm nghiệp kết hợp dưới tán rừng, tạo thêm nguồn thu nhập cho các hộ gia đình để lấy ngắn, nuôi dài. Khuyến khích vận động các chủ rừng thực hiện trồng rừng gỗ lớn và chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ nhỏ sang gỗ lớn; trồng rừng bằng giống cây có năng suất chất lượng cao được sản xuất bằng công nghệ tiên tiến (nuôi cấy mô, hom) để nâng cao giá trị. Quản lý chặt nguồn giống đưa vào trồng rừng hằng năm đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng. Phấn đấu hàng năm có khoảng 3.000 ha rừng trồng gỗ nhỏ được chuyển hóa sang rừng trồng kinh doanh gỗ lớn; 6.000 ha trồng rừng thâm canh và trồng rừng gỗ lớn bằng cây giống chất lượng cao; Định hướng đến năm 2030 có trên 90% diện tích rừng sản xuất là rừng trồng kinh doanh gỗ lớn./.