Trong những năm qua, ngành thủy sản tỉnh Hòa Bình đã có những bước phát triển đáng kể. Đặc biệt, việc nuôi cá lồng trên vùng hồ thủy điện sông Đà đã và đang phát triển mạnh mẽ với số lượng lồng nuôi tăng theo từng năm. Việc nuôi cá lồng đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của các xã ven hồ thủy điện Hòa Bình; giải quyết việc làm và cải thiện đời sống của người nuôi thủy sản
Thu nhập tăng từ mô hình nuôi cá lồng
Nằm trên vùng hồ Hoà Bình, xã Thái Thịnh (TP Hòa Bình) có diện mặt nước khoảng trên 400ha thuận lợi cho phát triển nghề nuôi trồng thuỷ sản. Ông Nguyễn Văn Nghĩa- Chủ tịch UBND xã cho biết: Nuôi và đánh bắt thuỷ sản là một thế mạnh của Thái Thịnh. Do vậy, để khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế của địa phương, những năm qua xã đã tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện nhiều dự án về phát triển chăn nuôi cá lồng, cũng như các biện pháp KHKT trong chăm sóc và thu hoạch để áp dụng vào điều kiện thực tế ở địa phương, nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, giảm nghèo cho người dân. Hiện, toàn xã có trên 800 lồng cá, nhiều hộ gia đình có kinh tế khá từ nuôi cá lồng.
Gia đình anh Hứa Tiến Dũng, xóm Tháu, xã Thái Thịnh, TP Hòa Bình phát triển nghề nuôi cá lồng được 2 năm nay, ban đầu gia đình anh nuôi 10 lồng cá, sau đó nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã cho hiệu quả cao, gia đình tiếp tục mở rộng quy mô nuôi trồng thủy sản, đến nay gia đình anh hiện có 18 lồng nuôi cá với những giống cá cho hiệu quả kinh tế như cá trắm đen, cá chép, cá rô phi, cá lăng, cá ngạnh. Từ việc tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên gồm các loại cá nhỏ đánh bắt trên hồ và phụ phẩm nông nghiệp nên cá nuôi luôn đạt chất lượng thịt ngon, thương lái các tỉnh lân cận tìm đến mua nhiều nên luôn được giá, không lo ế. Nhờ vậy, hàng năm gia đình anh đã có nguồn thu nhập đáng kể từ nuôi cá lồng. “Ban đầu khi nuôi cá lồng, gia đình tôi vẫn còn băn khoăn. Nhưng khi đầu tư vào nuôi, được sự giúp đỡ kỹ thuật nuôi cá và làm lồng bè từ phía Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Chi cục Thủy sản; tham gia các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho cá nên tôi đã yên tâm đầu tư vào nuôi cá. Điều quan trọng nhất trong nuôi cá lồng là phải bảo vệ, giữ được sạch nguồn nước nuôi thì mới tránh được dịch bệnh. Để làm được điều đó, các chủ nuôi cá lồng phải đặc biệt chú trọng đến việc vệ sinh khu vực nuôi thường xuyên, không được đổ bừa bãi cá tép nhỏ xuống cho cá ăn nuôi ăn, mà phải cho ăn ít một và chú ý vớt thức ăn thừa để tránh ô nhiễm cho lồng nuôi”- anh Dũng chia sẻ.
Xây dựng vùng sản xuất hàng hóa
Hòa Bình là tỉnh có nhiều tiềm năng và lợi thế lớn để phát triển thủy sản, nhất là nghề nuôi cá lồng trên hồ và trên sông. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, hệ thống sông, hồ nhiều, lưu lượng nước dồi dào. Hồ Hòa Bình nằm trên địa bàn 2 tỉnh Sơn La và Hòa Bình, với diện tích 16.700ha, nguồn nước được lưu thông liên tục nên môi trường luôn sạch, thì có thể nói Hòa Bình là nơi rất phù hợp để phát triển các loài thủy sản nước ngọt.
Theo ông Hoàng Văn Son, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hòa Bình, nghề nuôi cá lồng bè trên hồ thủy điện đã phát triển mạnh từ trước năm 1995, sau đó giảm dần do: tập quán nuôi cá lồng của người dân còn mang tính tự phát, quy mô manh mún, kỹ thuật lạc hậu, đối tượng nuôi chủ yếu là các loài truyền thống như cá chép, cá trắm cỏ… Lồng nuôi đóng thủ công, tận dụng các vật liệu có sẵn bằng tre hoặc nhựa PE, thể tích nhỏ. Từ năm 2010 đến nay, các ngành chức năng trong tỉnh, đặc biệt là Chi cục Thủy sản đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tuyên truyền, hướng dẫn người dân thay đổi tập quán nuôi quảng canh sang nuôi bán thâm canh, áp dụng nhiều tiến bộ khoa học- kỹ thuật vào nuôi cá. Trong đó, đáng chú ý là công nghệ nuôi lồng lưới đã được phố biến rộng rãi đến người nuôi, giúp nâng cao thu nhập, giảm chi phí đầu tư; bổ sung các giống loài nuôi có năng suất cao, có giá trị kinh tế để cung cấp cho thị trường cũng được trú trọng...Vì vậy đã có sự chuyển biến, chuyển đổi từ khai thác tự nhiên sang nuôi trồng thủy sản, đã làm tăng nhanh về số lượng lồng nuôi và sản lượng cá nuôi.
Nuôi cá lồng trên sông là mô hình được nhiều địa phương trên cả nước áp dụng. Tuy nhiên, để đạt được thành công, ngoài sự cố gắng, nỗ lực của người dân, thì chính sách của các cơ quan ban ngành cũng là yếu tố quan trọng. Ông Trần Văn Tiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT Hòa Bình cho biết: Trên cơ sở phong trào nuôi cá lồng phát triển mạnh như hiện nay, để khai thác tiềm năng mặt nước và nâng cao giá trị sản phẩm, kích thích sản suất phát triển, đồng thời kịp thời hỗ trợ người sản xuất; ngày 27/4/2015 UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành Quyết định số 10/2015/QĐ-UBND “Quy định một số chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển nuôi cá lồng vùng hồ thủy điện Hòa Bình giai đoạn 2015 – 2020”. Hỗ trợ sau đầu tư, cá nhân nuôi cá bằng lồng thể tích 50m3 trở lên sẽ được hỗ trợ cho 1 lồng tối đa không quá 25 triệu đồng bằng tiền mặt. Sau khi quyết định có hiệu lực, phong trào nuôi cá lồng trên hồ chứa đã phát triển mạnh, số lượng lồng nuôi tăng lên nhanh chóng. Qua thống kê, hiện nay số lồng cá được nuôi trên địa bàn tỉnh 4.050 lồng với sản lượng cá thu hoạch ước đạt khoảng 4000 tấn. Tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động trực tiếp và gián tiếp nghề nuôi trồng thủy sản.
Sự tham gia, vào cuộc của các cơ quan ban ngành từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã đã phát huy những hiệu quả nhất định khiến mô hình nuôi cá lồng ở thủy điện Hòa Bình đạt được những thành tựu đáng kể. Bên cạnh mô hình hộ gia đình nuôi theo hình thức bán thâm canh, gần đây có một số tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh như: Công ty TNHH Cường Thịnh (xã Thái Thịnh); HTX Thống Nhất (TPHB); Công ty TNHH một thành viên Minh Tín (xã Thung Nai, huyện Cao Phong)… đã đầu tư xây dựng hệ thống lồng bè nuôi quy mô công nghiệp, xây dựng cơ sở vật chất hiện đại. Năng suất, sản lượng nuôi rất cao từ 3-5 tấn/lồng, cỡ lồng nuôi thường là 108 m³. Giống nuôi như: cá trắm đen, bỗng, ngạnh, chiên, lăng chấm, tầm....Sản phẩm được tiêu thụ ổn định tại thị trường Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác.
Thuỷ sản là một trong những ngành có thể tạo ra được lượng giá trị sản phẩm rất lớn nếu thực sự được quan tâm phát triển. Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020 đã đặt ra mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2020, giá trị sản xuất thủy sản đạt trên 360 tỷ đồng, ngành thủy sản chiếm tỷ trọng 6% giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản; Có 4.200 lồng nuôi cá, sản lượng thủy sản đạt trên 9,2 nghìn tấn; 50% sản phẩm được tiêu thụ thị trường ngoại tỉnh; Tập trung nguồn lực và ứng dụng KHKT để sản xuất giống và phát triển nuôi các loài cá đặc sản có giá trị kinh tế cao...
Với những lợi thế về địa lý, đặc điểm khí hậu, điều kiện môi trường, mặt nước, cùng sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ về cơ chế chính sách của tỉnh, sự quyết tâm làm giàu của nông dân, nghề nuôi cá lồng trên vùng lòng hồ sông Đà sẽ ngày một phát triển, là hướng phát triển thủy sản thế mạnh, góp phần xoá đói giảm nghèo cho người dân vùng lòng hồ nói riêng và đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội, du lịch của tỉnh Hoà Bình nói chung ./.