DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Hòa Bình: Phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững

12/06/2017 00:00
Với thế mạnh quỹ đất đồi rừng khá lớn, vị trí địa lý, giao thông thuận lợi, thị trường tiêu thụ sản phẩm rộng, ít chịu ảnh hưởng của thiên tai, thời gian gần đây, tỉnh ta đã chọn hướng tập trung phát triển chăn nuôi bền vững. Ngoài những vật nuôi phổ biến như trâu, bò, lợn, dê, gia cầm, nhiều con nuôi đặc sản là lợn rừng lai, lợn bản địa, gà Mông, Nhím... được đưa vào chăn nuôi ngày càng nhiều.
Nhiều gia trại huyện Lương Sơn phát triển chăn nuôi thực phẩm sạch

Theo thống kê, đến nay, toàn tỉnh có 108,5 nghìn con trâu, sản lượng thịt hơi xuất chuồng khoảng 2.380 tấn, chủ yếu là giống Trâu Gié chiếm 80%, giống Trâu Ngố chiếm 20% so với tổng đàn; có khoảng 68 nghìn con bò, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 2.652 tấn, chủ yếu là Bò vàng Thanh Hóa có tầm vóc nhỏ chiếm tỷ lệ khoảng 60%, Bò lai Sind và lai Zebu chiếm tỷ lệ 40% so với tổng đàn; có trên 600 nghìn con lợn, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 32.080 tấn, tổng đàn lợn bản địa có hoảng hơn 33 nghìn con, chiếm 8,5% đàn lợn nuôi. Số lượng trang trại lơn chăn nuôi công nghiệp là 34 trang trại chăn nuôi lợn nái và hậu bị quy mô khép kín từ 300 - 3.000 con. Có 55 trang trại chăn nuôi gà thương phẩm với tổng số trên 560 nghìn con/lứa, sản xuất đạt 2.805.000 con/năm. Có trên 410 nghìn con vịt, chủ yếu là chăn thả theo thời vụ. Tổng đàn dê có hơn 33 ngìn con, tăng trưởng bình quân đạt 2,95/năm; hiện tại có 14 gia trại chăn nuôi dê quy mô từ 60 - 200 con.

Trên địa bàn tỉnh có 04 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi với tổng công xuất khoảng 125 nghìn tấn/năm và 225 cơ sở kinh doanh. Thức ăn chăn nuôi truyền thống chủ yếu sử dụng các nguyên liệu sẵn có ở địa phương. Có 01 cơ sở giết mổ lợn tại thành phố Hòa Bình với công xuất từ 150 - 200 lợn/ngày đêm và trên 500 điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, thủ công, tự phát tại hộ gia đình. Chưa có nhà máy chế biến các sản phẩm từ chăn nuôi. Chăn nuôi nông hộ trâu, bò chiếm 97,7%; gia cầm chiếm 95,2%; lợn chiếm 88,7%; dê chiếm 97,3%. Chăn nuôi gia trại trâu, bò chiếm 2,1%; gia cầm chiếm 3,8%; lợn chiếm 8,4%; dê chiếm 2,5%; chăn nuôi trang trại tập trung công nghiệp trâu, bò chiếm 0,2%; gia cầm chiếm 1%; lợn chiếm 2,9%; dê chiếm 0,2%.

Có thể thấy, chăn nuôi của tỉnh đang có sự chuyển dịch theo hướng tăng về chất lượng, phát triển bền vững thông qua thúc đẩy và hình thành các vùng chăn nuôi quy mô lớn theo hình thức trang trại, đảm bảo an toàn dịch bệnh, phát triển sản phẩm chăn nuôi có lợi thế của địa phương. Công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được tăng cường, duy trì thường xuyên, việc vận chuyển, xuất, nhập giống gia súc, gia cầm được kiểm soát chặt chẽ; công tác giám sát, phát hiện dịch bệnh sớm được tăng cường cùng mạng lưới thú y cơ sở tại xã, phường đang góp phần phát triển, thúc đẩy sản xuất chăn nuôi.

Giai đoạn 2017-2025, định hướng đến năm 2030, phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh phải dựa trên quy hoạch phát triển tổng thể ngành nông nghiệp và phù hợp với định hướng phát triển chăn nuôi, gắn với quy hoạch xây dựng NTM. Nhằm tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh tiểu vùng và phát triển bền vững với mục tiêu nâng cao giá trị thu nhập, đồng thời đảm bảo ATTP, bảo vệ môi trường sinh thái gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng chăn nuôi bình quân 5 - 5,5%/năm. Năm 2020, tổng đàn trâu 110 nghìn con (cải tạo để nâng cao tầm vóc), đàn bò 80 nghìn con (65 nghìn con của nông hộ, 15 nghìn con của doanh nghiệp), lợn 700 nghìn con, gia cầm 7 triệu con, dê 40 nghìn con. Định hướng đến năm 2030, tổng đàn trâu 110 nghìn con, bò 170 nghìn con (70 nghìn con của nông hộ, 100 nghìn con của doanh nghiệp), lợn 800 nghìn con (tăng số lượng, chất lượng lợn bản địa), gia cầm 11,5 triệu con, dê 100 nghìn con.

Để đạt được mục tiêu trên, thời gian tới tỉnh tổ chức rà soát, bổ sung, quy hoạch phát triển chăn nuôi hàng hóa cho một số doanh nghiệp chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao. Quy hoạch phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm theo hướng hàng hóa, hiệu quả cao và bền vững, đảm bảo an toàn dịch bệnh trên cơ sở phát huy thế mạnh về điều kiện tự nhiên KT-XH của từng vùng trong tỉnh nhằm tạo động lực chuyển dịch cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp, tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho người dân và tạo sản phẩm hàng hóa xuất khẩu./.