DetailController

Tiềm năng phát triển

Hòa Bình nỗ lực nâng cao chất lượng môi trường đầu tư

07/11/2012 00:00
Là tỉnh miền núi, cửa ngõ phía tây của Hà Nội, tỉnh Hòa Bình đang từng bước có những bước chuyển mình mạnh mẽ để hướng đến một nền kinh tế công nghiệp trong tương lai gần. Để làm được điều đó, tỉnh Hòa Bình đang có nhiều giải pháp cúng như ưu đãi để mời gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp vào hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Một trong những giải pháp đó là tỉnh đang tích cực nâng cao chất lượng môi trường đầu tư.

vị trí tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội, có diện tích tự nhiên gần 4.600 km2; về đơn vị hành chính có 10 huyện, 01 thành phố với 210 xã, phường, thị trấn, trong đó có 49 xã đặc biệt khó khăn, 23 xã vùng hồ Sông Đà và 24 xã CT 229. Dân số trên 80 vạn người, gồm 7 dân tộc trong đó dân tộc Mường chiếm hơn 63%, có khoảng 50 vạn người trong độ tuổi lao động, lao động được đào tạo chiếm trên 30%, tuổi lao động trung bình từ 22 đến 25 tuổi. GDP theo giá hiện hành đạt 12.675 tỷ đồng, bình quân đầu người đạt 15,69 triệu đồng.

Trong những năm qua, đặc biệt từ khi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Dự án Nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam bắt đầu nghiên cứu và công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Hòa Bình đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp và đã thu được một số thành tựu trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế  phát triển. Theo đó, tỉnh đã thành lập bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại tất cả các sở, ban ngành và UBND các cấp; Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính thuộc Văn phòng UBND tỉnh và quy định bổ sung nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính tại tất cả các Sở, ban, ngành và UBND các địa phương; quy định trách nhiệm phối hợp giải quyết công việc giữa các sở, ban, ngành, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, UBND các huyện, thành phố; quy định về việc tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về quy định hành chính. Đồng thời, thành lập Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, Ban chỉ đạo giải quyết các vấn đề liên quan đến hoạt động đầu tư do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Ban; Ban Chỉ đạo công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư tỉnh. Thành lập bộ phận làm công tác xúc tiến đầu tư thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư, có nhiệm vụ hỗ trợ các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội đầu tư tại tỉnh; Phòng Bồi thường giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường; sàn giao dịch việc làm thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng xây dựng và thường xuyên rà soát điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội cấp tỉnh, cấp huyện; quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch đô thị, quy hoạch vùng; quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng; quy hoạch khu vực thăm dò, khai thác khoáng sản chủ yếu...Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã và đang đầu tư xây dựng 8 khu công nghiệp với diện tích đất là 1.616 ha; 300 km đường quốc lộ, 398 km đường tỉnh lộ, 758 đường huyện được rải nhựa hoặc bê tông. Hạ tầng thông tin liên lạc các trục cáp chính đã được đầu tư đến tất cả các huyện. Hàng năm UBND tỉnh phê duyệt và công bốdanh mục dự án kêu gọi đầu tư; tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước; hội nghị chuyên đề, đối thoại với các nhà đầu tư bàn biện pháp thúc đẩy đầu tư sản xuất kinh doanh, thông báo tình hình phát triển kinh tế xã hội và các chính sách của Nhà nước và của tỉnh; tổ chức hội chợ, triển lãm. Tăng cường công tác đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập các trường nghề tư thục. Đến nay có 23 trường và trung tâm dạy nghề; thường xuyên quan tâm, hỗ trợ, giải quyết các chính sách ưu đãi về thuế, tiền thuê đất, chi phí xây dựng hệ thống cấp điện, đường ống cấp nước ngoại tuyến. Xây dựng kế hoạch và thành lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh.

Vì vậy, trong những năm qua Hòa Bình đã trở thành điểm đến của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Ông Tsutomu Arita, Tổng giám đốc điều hành Công ty TNHH Almine Việt Nam cho biết, Công ty TNHH Almine Việt Nam là Công ty 100% vốn của Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, gia công và kinh doanh các sản phẩm nhôm có nhà máy tại Khu công nghiệp Lương Sơn. Trong suốt quá trình hoạt động, Công ty luôn nhận được sự giúp đỡ, tạo mọi điều kiện thuận lợi từ lãnh đạo địa phương và Công ty cổ phần bất động sản An Thịnh Hoà Bình (chủ đầu tư Khu công nghiệp Lương Sơn). Các sở, ban, ngành đã thực hiện cơ chế 1 cửa tốt nên việc cấp giấy chứng nhận đầu tư, các thủ tục cấp giấy phép xây dựng, đánh giá tác động môi trường và các thủ tục hành chính khác đều được thực hiện rất nhanh chóng, thời gian cấp phép không quá 7 ngày đã giúp Công ty giảm được tối đa thời gian đi lại.

Việc thu hút các nhà đầu tư đã góp phần thúc đẩy giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng lên, năm sau cao hơn năm trước. Trong 9 tháng đầu năm 2012, tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 8,8%, trong đó nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3%; công nghiệp - xây dựng tăng 12,2% (công nghiệp tăng 14%, xây dựng tăng 7%); dịch vụ tăng 10%. Tốc độ tăng trưởng có tính Nhà máy Thủy điện Hòa Bình ước đạt 7,2%, trong đó: Nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3%; công nghiệp - xây dựng tăng 7,8% (công nghiệp tăng 8%, xây dựng tăng 7%); dịch vụ tăng 10%. Để có được những kết quả này là do ngày càng có nhiều nhà đầu tư quan tâm và đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại Hòa Bình. Tính đến ngày 30/9, trên địa bàn tỉnh có 379 dự án đầu tư trong nước và dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực, tăng 4,4 lần so với năm 2005; có 2056 doanh nghiệp đăng ký hoạt động tăng 3,5 lần so với năm 2005 có vốn đăng ký là 15.141 tỷ đồng tăng 17 lần so với năm 2005.

Tuy nhiên, vấn đề nâng cao chất môi trường đầu tư trên địa bàn tỉnh còn gặp khó khăn do khả năng dự báo và phân tích tình hình để xây dựng chính sách phát triển kinh tế còn hạn chế; chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, phần lớn lao động chưa được đào tạo tay nghề, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế; cập nhập thông tin của các trang Web còn chậm, chưa được thường xuyên, liên tục. Việc cập nhật, điều chỉnh quy hoạch chưa kịp thời; hạ tầng kinh tế, kỹ thuật còn thấp. Để góp phần tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn, thời gian tới tỉnh sẽ tổ chức phân tích thực trạng và đề ra các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh, gắn liền với các tiêu chí đánh giá PCI. Giao nhiệm vụ cho từng cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm đầu mối chính thực hiện cải cách một tiêu chí cụ thể; tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trên cơ sở đó sẽ yêu cầu tất cả các cơ quan phải chuẩn bị hồ sơ, biểu mẫu, quy trình tác nghiệp, thời gian giải quyết công việc, người chịu trách nhiệm giải quyết công bố công khai trên các Website và nơi  làm việc để mọi công dân, doanh nghiệp biết và giám sát thực hiện; tăng cường tổ chức đối thoại giữa cơ quan nhà nước các cấp với doanh nghiệp, tìm ra biện pháp hiệu quả giải quyết các vấn đề phức tạp phát sinh liên quan đến môi trường sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, làm tốt công tác quy hoạch, huy động mọi nguồn lực trong, ngoài tỉnh đầu tư nâng cao chất lượng hệ thống cơ sở hạ tầng, trước hết là hệ thống giao thông, điện, thông tin liên lạc, cấp, thoát nước và xử lý ô nhiễm môi trường; đẩy mạnh xã hội hóa đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các hiệp hội doanh nghiệp hoạt động; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về các chính sách của Nhà nước, của tỉnh, các quy hoạch, kế hoạch, các quy trình tác nghiệp của các cơ quan nhà nước.