Để tạo điều kiện cho nông dân được trao đổi thảo luận cùng cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học và doanh nghiệp trong việc thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng nhằm tạo chuyển biến tích cực và tạo nguồn lực vững chắc cho phát triển ngành lâm nghiệp. Tại Diễn đàn các đại biểu và bà con đã lắng nghe các báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp; Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng (SFMI); Sở Nông nghiệp & PTNT Hòa Bình về một số vấn đề như: Thực trạng triển khai và định hướng nâng cao hiệu quả chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Việt Nam; tình hình tổ chức thực hiện các chính sách về chi trả dịch vụ môi trường rừng trong 5 năm qua được thực hiện theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ; những tác động của các chính sách liên quan đến công tác chi trả DVMTR cùng những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện các chính sách, vấn đề chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Việt Nam mà cụ thể ở 7 tỉnh khu vực miền Bắc.
Một số vấn đề được đưa ra thảo luận trong diễn đàn giữa các chuyên gia, nhà khoa học với người dân, các chủ rừng, doanh nghiệp đang được quan tâm như: Phạm vi triển khai dịch vụ môi trường rừng; mức và cách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng; mức chi trả giữa các lưu vực; thủ tục thanh toán tiền dịch vụ môi trường rừng. Ngoài ra còn có rất nhiều các câu hỏi được người dân, các chủ rừng gửi tới các chuyên gia như: Những loại rừng nào được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng; Quyền và, nghĩa vụ của chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân tham gia cung ứng dịch vụ môi trường rừng; Những trường hợp nào thì được miễn, giảm tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng…Tại diễn đàn có khoảng 40 câu hỏi được hỏi và đều được các chuyên gia, nhà khoa học giải đáp 1 cách thấu đáo, nhằm giúp người dân, chủ rừng và doanh nghiệp hiểu rõ hơn khi thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng nhằm góp phần chung tay, chung sức bảo vệ “lá phổi xanh” của chúng ta. Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng còn giúp dân có thu nhập, rừng được bảo vệ.
Tại tỉnh Hòa Bình chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã giải quyết được 3 vấn đề lớn. Thứ nhất, góp phần thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn, cụ thể là diện tích rừng có độ che phủ ngày càng tăng. Thứ hai, góp phần vào an sinh xã hội trên địa bàn, tăng thu nhập cho người dân, từ đó làm giảm áp lực tác động xấu đến rừng. Thứ ba, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho lực lượng bảo vệ rừng.
Qua 5 năm triển khai tại địa bàn tỉnh Hòa Bình, việc áp dụng Nghị định 99 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã mang lại hiệu quả thiết thực, tác động tích cực đối với đời sống của người dân. Nhận thức của các chủ rừng được nâng lên, tăng cường công tác bảo vệ rừng. Góp phần đẩy lùi tình trạng đốt nương làm rẫy, chặt phá rừng. Đời sống của đồng bào vùng sâu vùng xa đang sinh sống trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, những nơi chưa có nguồn thu từ rừng phần nào được cải thiện. Thu nhập bình quân của chủ rừng là hộ gia đình, cộng đồng được nâng lên./.