DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Hòa Bình: Đã chuyển đổi một số diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng Gai xanh

21/09/2022 00:00
Hòa Bình là tỉnh phát triển cây gai xanh muộn hơn so với các địa phương khác nhưng được triển khai một cách khoa học, bài bản, có sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền, cơ quan chuyên môn các cấp. Qua gần 2 năm mô hình này bước đầu đã phát huy hiệu quả.
Gai xanh là cây trồng một lần thu hoạch trong 10 năm, có giá trị kinh tế cao

Đây là diện tích 3.000m2 trồng gai xanh của gia đình chị Hằng ở xã Yên Hòa, huyện Đà Bắc. Trước đây, diện tích này chỉ trồng ngô, giá trị kinh tế thấp. Từ khi chuyển sang trồng gai xanh, chị và bà con tin rằng, đây sẽ là loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế và giúp xóa đói, giảm nghèo, nhất là khi có HTX bao tiêu sản phẩm.

Chị Nguyễn Thị Hằng, Xóm Lang, xã Yên Hòa, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình: "Cây ngô thì từ các nhà buôn họ đến, giá cả không được thuận lợi thế nhưng cây gai xanh này HTX đưa mức giá đấy chúng tôi thấy thuận lợi hơn và các xóm khác bà con làm rất là tốt rồi nên chúng tôi muốn đẩy mạnh hơn diện tích để mở rộng kinh tế của gia đình hơn."

Hiện nhiều địa phương tại Hòa Bình đã chuyển đổi một số diện tích trồng ngô, sắn kém hiệu quả sang trồng gai xanh. Ngành nông nghiệp phối hợp với các HTX hỗ trợ cây giống, vật tư, máy móc nhằm tạo điều kiện cho các hộ nghèo.

Ông Lường Văn Khánh, Bí thư Chi bộ xóm Bay, xã Trung Thành, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình: "Có chủ trương trồng cây gai xanh này tôi rất là vui mừng. Bà con sẽ có thêm nguồn thu nhập. Từng bước những hộ gia đình chưa thực hiện sẽ cùng nhau tiến tới xóa đói giảm nghèo cho bà con nhất là vùng nghèo, vùng 3 còn rất nhiều khó khăn."

Từ tháng 4/2021, cây gai xanh được triển khai trồng tại Hòa Bình với tổng diện tích trên 50 ha, đến nay đạt hơn 200 ha. Một năm, cây cho thu hoạch 4 lứa, thu nhập khoảng 100 triệu/ha/năm.

Theo ông Nguyễn Hồng Yến, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hoà Bình: "UBND tỉnh đã có chủ trương phát triển vùng nguyên liệu rất là rõ ràng. Kế hoạch năm 2022 trồng khoảng 500ha và 2023 trồng khoảng 1.000 ha. Sau đó sẽ hình thành nên đề án để phát triển vùng nguyên liệu để đảm bảo quy mô của 1 nhà máy sơ chế."

Được đánh giá là cây trồng thích hợp với nhiều loại đất nên gai xanh có thể sản xuất với quy mô lớn. Kỹ thuật trồng cũng không yêu cầu cao, khâu chăm sóc, bón phân đơn giản, thời gian thu hoạch 1 năm 4 vụ giúp bà con thu hồi vốn nhanh.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Trần Thanh Nam: "Hiện nay đây là nguyên liệu rất tốt phục vụ ngành dệt may và có giá trị kinh tế cao. Phù hợp với các vùng miền đặc biệt là vùng đồi có dốc cao. Chúng tôi đánh giá đây là loại cây có thê tăng thu nhập cho bà con nông dân ở các vùng núi, vùng sâu, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số."

Hiện nay, việc nghiên cứu và sản xuất gai để lấy sợi do Tập đoàn An Phước - Đơn vị đi tiên phong trong xây dựng quy trình sản xuất khép kín từ vùng nguyên liệu đến nhà máy sản xuất sợi gai. Đơn vị này phối hợp với các nhà nghiên cứu của Viện Di truyền nông nghiệp chọn tạo thành công giống gai xanh AP1 phục vụ cho vùng nguyên liệu và được Cục trồng trọt cấp bằng bảo hộ giống cây trồng. Đây sẽ là giống cây trồng tiềm năng vừa cho giá trị kinh tế cao, vừa an toàn với sức khỏe người tiêu dùng./.