Đồng chí Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Với chức năng, nhiệm vụ được giao, thời gian qua, Sở NN&PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, chính sách hỗ trợ người sản xuất nông- lâm- thủy sản. Trong 5 năm (2011-2016) Sở đã ban hành 135 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác quản lý Nhà nước về chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP nông, lâm, thủy sản. Cũng trong khoảng thời gian này, Sở đã chỉ đạo các Chi cục chuyên ngành, Phòng NN& PTNT các huyện tổ chức 430 hội nghị, hội thảo, tập huấn, tư vấn kiến thức ATTP cho 29.876 lượt người; in phát 87.750 tờ rơi, tờ dán và 330 đĩa DVD, VCD; 370 băng rôn, pano; 360 chuyên mục, phóng sự; 158 bản tin và hàng chục thông báo kết quả kiểm tra ATTP. Đăng tải các clip, chuyên mục trên phương tiện thông tin đại về công tác quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản; tuyên truyền về nội dung "Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi sẽ bị truy cứu hình sự”; hành vi cấm trong chăn nuôi, làm chín sớm hoa quả và tác hại, thiệt hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Hàng năm, Sở phối hợp với Ban thời sự Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng các phóng sự về ATTP gồm: sản phẩm cá sông Đà; rau an toàn xã Dân Chủ ; rau hữu cơ; gà Lạc Sơn; rau su su Quyết Chiến… Các hoạt động này nhằm góp phần nâng cao nhận thức của người SX-KD, người tiêu dùng và trách nhiệm của cơ quan quản lý các cấp về ATTP. Nâng cao hiểu biết, niềm tin của người tiêu dùng trong lựa chọn và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản được kiểm soát ATTP theo chuỗi đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được chứng nhận, xác nhận an toàn.
Dưới sự chỉ đạo của Sở NN&PTNT, trong 5 năm (2011-2016), các Chi cục trực thuộc Phòng NN&PTNT, Phòng Kinh tế - Hạ tầng các huyện, thành phố đã kiểm tra 3.547 lượt cơ sở sản xuất, giết mổ , sơ chế, bảo quản, chế biến và kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 72 vụ với 115,9 triệu đồng. Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản đã lấy 728 mẫu nông, lâm, thủy sản để kiểm định các chỉ tiêu về ATTP nhằm cảnh báo, phòng ngừa và ngăn chặn sự cố về ATTP. Kết quả kiểm định cho thấy, có 52 mẫu không đảm bảo ATTP. Ngoài ra, Sở NN& PTNT đã chủ trì và cử cán bộ tham gia nhiều đoàn thanh tra liên ngành do BCĐ ATTP tỉnh thành lập. Đã tổ chức thanh tra, kiểm tra được 508 cơ sở SX-KD, tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 205 vụ với trên 512,9 triệu đồng. Tổ chức 8 cuộc thanh tra đột xuất để truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản. Theo đó, xử phạt vi phạm hành chính 5 vụ, 3 vụ chuyển hồ sơ đến cơ quan chức năng các tỉnh Phú Thọ, Sơn La để tiếp tục xác minh, truy xuất nguồn gốc theo quy định của pháp luật.
Với tinh thần chủ động, tích cực trong quản lý ATTP, ngành nông nghiệp tỉnh đã góp phần đắc lực nâng cao nhận thức của người SX-KD, người tiêu dùng và trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước các cấp. Theo đồng chí Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN & PTNT tỉnh: Tỷ lệ mẫu nông, lâm, thủy sản không đảm bảo ATTP giảm rõ rệt qua các năm. Các cơ sở SX-KD đã có ý thức khắc phục các sai, lỗi và cải thiện điều kiện ATTP.
Tuy nhiên, đại diện ngành nông nghiệp cũng thẳng thắn nhận định: Tỷ lệ cơ sở SX-KD nông, lâm, thủy sản vi phạm các quy định của pháp luật về ATTP còn cao và diễn biến phức tạp. Nguồn thực phẩm thịt, cá, rau các loại nhập từ tỉnh ngoài còn chiếm tỷ lệ khá lớn, khó kiểm soát về chất lượng, khó khăn trong truy xuất nguồn gốc. Vẫn tồn tại tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt, kháng sinh, hóa chất trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; sử dụng chất cấm trong chế biến, bảo quản thực phẩm; giết mổ gia súc, gia cầm và kinh doanh sản phẩm động vật tươi sống chưa đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y… Chỉ rõ những tồn tại, bất cập trong quản lý ATTP và nguyên nhân, Sở NN & PTNT đã đưa ra nhóm giải pháp cụ thể về thể chế, chính sách; nguồn lực và giải pháp tổ chức thực hiện để làm tròn trọng trách quản lý ATTP theo chức năng, nhiệm vụ được giao.