DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Hiệu quả từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình

23/07/2018 00:00
Trong những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã có sự chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ đó, hiệu quả sản xuất ngày càng cao, đời sống người dân được nâng lên.

Trong 5 năm (2013 - 2018), toàn tỉnh đã chuyển đổi được 18 nghìn ha đất trồng lúa, màu kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như cây ăn quả có múi, nhãn, mía, ngô, bí xanh, bí đỏ, dưa chuột, lặc lày, ớt,... Trong đó, chuyển đổi trên đất 1 vụ lúa được gần 12 nghìn ha, chuyển đổi đất trồng màu khoảng 5,8 nghìn ha. Thực hiện mục tiêu nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích cho nông dân, ngoài việc nhân rộng các mô hình khuyến nông, hiện nay, tỉnh đã đầu tư xây dựng một số mô hình chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, quy mô lớn như: Mô hình trồng nhãn thu nhập trên 250 triệu đồng/ha/năm tại huyện Kim Bôi; trồng dưa chuột Nhật thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/vụ tại huyện Kỳ Sơn, Kim Bôi; mô hình trồng lặc lày cho thu nhập trên 120 triệu đồng/ha/vụ tại huyện Yên Thủy, Kim Bôi, Lạc Sơn; mô hình trồng mía thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm tại huyện Cao Phong, Kỳ Sơn. Bên cạnh đó, đã hình thành các mô hình liên kết có hiệu quả như: Mô hình trồng ớt xuất khẩu tại Lạc Sơn, Lạc Thủy; mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ dưa chuột Nhật, mía nguyên liệu, cà gai leo, bí xanh, ngô ngọt, đậu rau tại huyện yên Thủy, Lạc Sơn và Kim Bôi; liên kết sản xuất hạt giống mướp đắng, bí xanh tại xã Đú Sáng - Kim Bôi và 1 số xã của huyện Kỳ Sơn; mô hình trồng rau an toàn áp dụng công nghệ cao của Công ty An Nhiên Foods tại huyện Kỳ Sơn; mô hình liên kết nhóm sản xuất rau hữu cơ tại huyện Lương Sơn,... Cùng với đó, một số địa phương đã chủ động đưa các giống chất lượng cao và gieo cấy phù hợp với điệu kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng như: Mô hình gieo cấy giống lúa chất lượng cao J02 cho giá trị thu nhập cao tại huyện Đà Bắc và mô hình thâm canh giống lúa Bắc Hương 9 tại huyện Lạc Thủy, Lương Sơn.

Như vậy, sau nhiều năm kiên trì thực hiện, đến nay chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã thực sự đi vào cuộc sống và đang phát huy hiệu quả tích cực. Giá trị sản xuất ngành trồng trọt trong 5 năm tăng 4,37%, đạt 70,88% cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.

Tuy nhiên, trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế như: Chưa phát huy được vai trò động lực của kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể và doanh nghiệp nhà nước; liên kết sản xuất còn rời rạc; sản xuất theo chuỗi quy mô còn nhỏ, diện tích ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao chưa nhiều.

Trên cơ sở đó, ngành Nông nghiệp tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo phương châm vừa trồng giống mới, năng suất cao vừa trồng giống địa phương có phẩm chất tốt để phát huy lợi thế cạnh tranh. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh; khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Đẩy mạnh thâm canh, xây dựng cánh đồng mẫu lớn tạo ra khối lượng sản phẩm lớn có giá trị kinh tế cao./.