DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Hiệu quả từ phong trào thi đua “Cao Phong chung sức xây dựng nông thôn mới”

07/10/2013 00:00
Sau 3 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ và nhân dân huyện Cao Phong đã đạt những kết quả nhất định. Từ chương trình đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất hứa hẹn đem lại hiệu quả kinh tế cao; đường giao thông, các công trình phúc lợi được đầu tư khang trang; bộ mặt nông thôn đã có nhiều thay đổi, mức sống của người dân từng bước được tăng lên. Đó là kết quả từ phong trào thi đua “Cao Phong chung sức xây dựng nông thôn mới” đã đem lại cho người dân trên địa bàn.
Cây mía đang là cây trồng thế mạnh trong phát triển kinh tế của nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Cao Phong

Theo kết quả rà soát đánh giá thực trạng kinh tế - xã hội cuối năm 2010 theo các tiêu chí xây dựng nông thôn mới thì toàn huyện Cao Phong không có xã nào đạt được 7 tiêu chí, chỉ có 2 xã đạt từ 5 đến 6 tiêu chí, còn lại 10 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Cao Phong đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Do vậy trong thời gian qua, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã luôn quan tâm, tập trung xây dựng kế hoạch và lộ trình cụ thể cho việc thực hiện xây dựng nông thôn mới trên cơ sở bám sát các tiêu chí để hướng dẫn, đôn đốc các xã phấn đấu thực hiện nhằm đảm bảo tiến độ theo kế hoạch đề ra. Những nỗ lực của cán bộ và nhân dân huyện đã được đền đáp bằng những kết quả cụ thể trong mỗi bước đi, mỗi cách làm. 

Để thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, từ năm 2010 đến nay, UBND huyện, Ban Chỉ đạo huyện đã ban hành 11 quyết định chuyên đề công tác xây dựng nông thôn mới; 15 văn bản đôn đốc, hướng dẫn để Ban chỉ đạo, Ban quản lý các xã thực hiện nội dung xây dựng NTM; đồng thời phát động phong trào thi đua “Cao Phong chung sức xây dựng nông thôn mới” với 5 nội dung chính, đó là: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và trong mọi tầng lớp nhân dân về yêu cầu và nội dung của chương trình xây dựng nông thôn mới. Thực hiện công tác quy hoạch, lập đề án xây dựng nông thôn mới đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng cao; huy động và sửa dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư cho các khu vực nông nghiệp, nông thôn; xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển bền vững và mang đậm bản sắc văn hóa của địa phương; xây dựng và củng cố hệ thống tổ chức chính trị, xã hội vững mạnh, bảo đảm an ninh xã hội gắn với phát triển kinh tế.

Đặc biệt, huyện đã phát huy tối đa thế mạnh là phát triển cây ăn quả, nhất là cây ăn quả có múi, cây mía và thế mạnh du lịch. Các cấp ủy, chính quyền đã vận động nhân dân đẩy mạnh việc mở rộng diện tích trồng cam, quýt…thông qua nhiều hình thức như: mở lớp đào tạo, tư vấn cách ứng dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong việc trồng và chăm sóc cam theo tiêu chuẩn VietGap; hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm cam Cao Phong… Với những nỗ lực đó, hiện toàn huyện đã có 1.000 ha cam và 2.500 ha mía; năm 2012, toàn huyện thu hoạch được 15.000 tấn cam. Việc phát triển cây cam đã giúp nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo, số hộ thu nhập từ 600 triệu đồng đến 1 tỷ đồng mỗi năm một tăng lên; cam Cao Phong đã và đang khẳng định được chất lượng và thương hiệu trên thị trường… Bên cạnh sự quyết tâm của Đảng bộ, chương trình xây dựng nông thôn mới ở Cao Phong cũng đã được toàn thể nhân dân hưởng ứng bằng những việc làm thiết thực, cụ thể như: hiến đất, góp công, góp sức làm đường giao thông nông thôn; hỗ trợ nhau làm kinh tế…Từ phong trào, đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiến tiến được biểu dương vì có nhiều đóng góp trong phong trào xây dựng nông thôn mới… Sau 3 năm xây dựng nông thôn mới, Cao Phong đã huy động được trên 150 tỷ đồng, trong đó vốn đóng góp từ người dân gần 79 tỷ đồng. Từ nguồn vốn đó, huyện đã cứng hóa hơn 93 km đường liên xóm, nội xóm, 100% xã đã có đường giao thông đến trung tâm; hệ thống công trình thuỷ lợi được sửa chữa, nâng cấp, đáp ứng 70% nhu cầu tưới tiêu phục vụ sản xuất; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 84%; 100% số xã có điện lưới quốc gia với trên 97% hộ gia đình được sử dụng điện; 80% số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa và 85% số dân tham gia bảo hiểm y tế; toàn huyện hiện có 14 trường học đạt chuẩn quốc gia; 107/124 xóm, khu dân cư có nhà văn hóa; hoạt động phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân được chú trọng. 

3 năm qua, huyện Cao Phong đã huy động được hơn 3,8 tỷ đồng hỗ trợ nhân dân sản xuất, xây dựng, nhân rộng các mô hình nuôi lợn rừng tại xã Nam Phong, Thu Phong; trồng cây có múi tại xã Dũng Phong... Việc xây dựng cơ sở hạ tầng cũng được huyện chú trọng hỗ trợ đầu tư như kiên cố kênh mương, làm đường giao thông nông thôn... Từ việc quan tâm nâng cao đời sống cho nhân dân, huyện Cao Phong đã đạt mức thu nhập bình quân gần 20 triệu đồng/ 1 người/ 1 năm; tỷ lệ hộ nghèo (tiêu chí mới) giảm còn hơn 20%; 80% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hoá. Quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ở Cao Phong đã làm thay đổi nhận thức về vai trò của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị và toàn thể nhân dân trên địa bàn cả trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện.

Từ việc hiểu đúng một chủ trương lớn của Đảng và nhà nước, diện mạo nông thôn tại các xã trên địa bàn huyện Cao Phong đang thay đổi từng ngày. Cao Phong đang có những bước đi vững chắc trong việc rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, kết quả này chỉ thực sự có được khi có sự đồng sức, đồng lòng trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương./.