DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Hiệu quả từ mô hình giảm nghèo bền vững

09/08/2021 00:00
Năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19, nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự đồng thuận của người dân, các dự án thuộc Chương trình 135 được triển khai hiệu quả. Qua đó, nhiều mô hình sản xuất đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững cho bà con các dân tộc thiểu số.
Mô hình hỗ trợ trực tiếp cây giống cho nhân dân

Trong giai đoạn trước, trên địa bàn tỉnh có 99 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, nhiều nơi vẫn còn thiếu thốn. Thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, các cấp, các ngành trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia các Dự án phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo. Nhờ đó, nguồn vốn thực hiện các dự án được mở rộng, tổng kinh phí đầu tư năm 2020 đạt trên 40 tỷ. Trong đó, nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước là gần 36,9 tỷ, nguồn vốn từ Nhân dân đóng góp là trên 3 tỷ.

          Từ nguồn vốn phân bổ, tỉnh thực hiện hỗ trợ trực tiếp cây giống, giống vật nuôi, máy móc thiết bị sản xuất, hỗ trợ vật tư nông nghiệp cho 8.140 hộ gia đình, bao gồm hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và hộ là người dân tộc thiểu số. Xây dựng được 5 mô hình phù hợp với điều kiện của địa phương, như: Mô hình chăn nuôi lợn, nuôi gà thả vườn, phối giống nhân tạo cho bò, nuôi ngan, nuôi vịt bầu. Thông qua các dự án, mô hình phát triển sản xuất, người dân đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong quá trình sản xuất và tiếp cận dần với sản xuất hàng hóa.

          Hoạt động nhân rộng mô hình giảm nghèo tiếp tục triển khai sâu rộng. Các mô hình được xây dựng theo nhóm gia đình từ 20-50 hộ có cùng nhu cầu, cùng khu vực, cùng sự hướng dẫn của ngành nông nghiệp. Đến nay, các mô hình đã tác động tích cực đến nhận thức của người dân, làm quen với hình thức tập thể, đồng thời tận dụng lao động nhàn rỗi để tạo công ăn việc làm cho lao động, tạo động lực để phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho hộ gia đình, từng bước giảm nghèo bền vững. Trong năm 2020, toàn tỉnh đã thực hiện 27 mô hình giảm nghèo, có 676 hộ được hưởng lợi. Có thể kể đến là 21 mô hình Bò sinh sản, 1 mô hình dê sinh sản, 1 mô hình lợn bản địa, 3 mô hình hỗ trợ chăn nuôi gà và 1 mô hình nuôi ngan.

          Ngoài ra, các dự án hỗ trợ phát triển kinh tế dành cho các xã ngoài chương trình 30a và chương trình 135 được triển khai hiệu quả. Năm 2020, tổng số kinh phí Trung ương hỗ trợ cho dự án là 2,5 tỷ đồng. Tỉnh đã thực hiện 3 mô hình với 190 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ dân tộc thiểu số tham gia thực hiện các mô hình chăn nuôi bò, gà thả vườn. Các Dự án đã góp phần tăng thu nhập của hộ nghèo lên 20%/năm, tạo việc làm thêm cho các hộ nghèo tham gia dự án, 100% các hộ tham gia mô hình được tập huấn bồi dưỡng kiến thức về kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, từ đó trang bị kiến thức sản xuất cho các hộ nghèo. Đồng thời, nâng cao trình độ nhận thức cho người dân trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Dự án đã góp phần đáng kể vào việc giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2-3% tại các xã có dự án.

          Việc thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo được triển khai thực hiện theo đúng quy định, đối tượng và đúng định mức. Các nội dung hỗ trợ được đề xuất từ nhu cầu thực tế tại cơ sở, nên khi triển khai thực hiện đã đáp ứng được nguyện vọng của hầu hết các hộ nghèo. Nhận thức và tập quán sản xuất của bà con nông dân đã có nhiều chuyển biến rõ nét, người dân đã được tiếp cận khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi; phát triển sản xuất theo hướng liên kết theo chuỗi giá trị gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, chung tay của cộng đồng, đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh cuối giảm xuống còn là 8,6%, cơ bản hoàn thành kế hoạch năm 2020./.