Sau gần 2 năm đi vào hoạt động các Tổ khuyến nông cộng đồng đã đạt được những kết quả đáng kể, thực hiện tương đối tốt các chức năng, nhiệm vụ của mình như: Hỗ trợ, tư vấn cho hộ nông dân, hợp tác xã về khuyến nông; hỗ trợ, tư vấn phát triển hợp tác xã; Hỗ trợ thị trường và liên kết chuỗi giá trị; tư vấn, hướng dẫn chuyển đổi số trong nông nghiệp và thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của cơ quan quản lý và chính quyền địa phương.
Tổ khuyến nông cộng đồng được thành lập đã nối lại sự liên kết của hệ thống khuyến nông trước thực trạng bị đứt gãy sau khi sát nhập 3 trạm cấp huyện và giải thể hệ thống khuyến nông cấp xã. Thực hiện hỗ trợ bà con nông dân tổ chức lại sản xuất, đào tạo tập huấn nâng cao kiến thức không chỉ là kỹ thuật thông thường mà các kiến thức tổng hợp về giá cả, thị trường, pháp luật.... giúp nông dân chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất tập trung, sản xuất hàng hóa. Thể hiện vai trò cốt “Là cầu nối giữa người nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp” mở rộng thị trường tiêu thụ, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp; tránh sự bấp bênh, rủi ro của nông sản; tạo ra môi trường sản xuất bền vững, an toàn và hiệu quả.
Cụ thể, Tổ khuyến nông cộng đồng đã tổ chức các lớp đào tạo nghề nông nghiệp, chuyển giao công nghệ, khuyến nông cho lao động nông thôn thu hút gần 1.000 lượt người tham gia. Nội dung đào tạo tập trung vào trồng và khai thác rừng, kỹ thuật nuôi và phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; nuôi và phòng bênh cho thủy sản nước ngọt. Được sự hỗ trợ, hướng dẫn của các đơn vị, đến nay, Tổ khuyến nông cộng đồng đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất cho năng suất cao, như: Phát triển chăn nuôi gà thịt thương phẩm theo hướng VietGAHP gắn với xây dựng thương hiệu gà ri Lạc Sơn; mô hình sản xuất đậu tương năng suất, chất lượng cao theo chuỗi giá trị tại một số tỉnh phía Bắc; mô hình chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ và xử lý môi trường bằng nguyên liệu đệm lót và chế phẩm sinh học…
Các địa phương thường xuyên tổ chức các diễn đàn, tọa đàm hội nghị về hoạt động của Tổ khuyến nông, nhằm chia sẻ những kinh nghiệm, khó khăn, vướng mắc của hoạt động Khuyến nông nói chung và Tổ khuyến nông cộng đồng nói riêng trong giai đoạn hiện nay. Từ đó tìm giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc để nâng cao hiệu quả của hoạt động Khuyến nông cộng đồng phục vụ phát triển vùng nguyên liệu. Thông qua diễn đàn, tọa đàm, cán bộ Tổ khuyến nông cộng đồng, lãnh đạo ngành Nông nghiệp địa phương kịp thời nắm bắt các ý kiến, chia sẻ của người nông dân, các hợp tác xã và doanh nghiệp để thực hiện tốt chức năng là cầu nối giữa các bên đưa các doanh nghiệp đến gần hơn với người nông dân và hợp tác xã.
Trong 2 năm thí điểm Tổ khuyến nông cộng đồng, đã có nhiều chủ hộ, nhóm sản xuất, tổ hợp tác được hỗ trợ, tư vấn thành lập và phát triển hợp tác xã, kinh tế tập thể; nhiều doanh nghiệp được kết nối tạo thành chuỗi giá trị sản xuất. Với sự hỗ trợ, tư vấn của Tổ khuyến nông công đồng, Hợp tác xã Đa Phúc, Hợp tác xã sản xuất kinh doanh thịt chua Trần Đình Lâm (Lạc Sơn) được thành lập và hoạt động hiệu quả; tổ hợp tác nuôi ong của xã Lạc Lương, Ngọc Lương (huyện Yên Thủy) được hỗ trợ về giống, kỹ thuật chăm sóc. Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh kết nối, phối hợp với Công ty TNHH Sumagrow Inside thành lập điểm tư vấn miễn phí tại huyện Cao Phong hỗ trợ phát triển cây có múi trên cơ sở hoạt động tư vấn kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại; cải tạo các vườn cây già cỗi, kém chất lượng. Đây là một mô hình tiên tiến, thiết thực và gắn liền với hoạt động của Tổ khuyến nông cộng đồng. Đồng thời, phối hợp với Công ty cổ phần nông nghiệp hữu cơ FUSA thực hiện các mô hình trình diễn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người nông dân, hướng dẫn các hộ dân triển khai các mô hình khuyến nông. Đến nay, Tổ khuyến nông cộng đồng đang hướng dẫn các hợp tác xã xây dựng hợp đồng liên kết với Công ty cổ phần nông nghiệp hữu cơ FUSA nhằm bao tiêu sản phẩm.
Sau một thời gian hoạt động có thể thấy việc thành lập Tổ khuyến nông cộng đồng là bước đi đúng đắn trong sự chuyển biến của sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Tổ khuyến nông cộng đồng hiện đã nhân rộng tại các huyện, thành phố trong tỉnh. Từ 2 Tổ khuyến nông cộng đồng với 20 cán bộ là nòng cốt, đến nay toàn tỉnh có 37 Tổ khuyến nông cộng đồng với 232 thành viên. Lực lượng khuyến nông đã góp phần quan trọng trong việc chuyển tải chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn vào cuộc sống, tạo ra sự thay đổi sâu sắc về cơ cấu sản xuất và trình độ sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp trên phạm vi rộng theo hướng sản xuất hàng hóa./.