DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Hiệu quả từ Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng chủ lực của tỉnh

25/09/2023 16:30
Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) là chương trình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đến tận tay người nông dân, được triển khai rộng khắp các địa phương. Chương trình đã tạo sự thay đổi lớn trong nhận thức của nông dân cũng như công tác chỉ đạo, sản xuất của cán bộ kỹ thuật nông nghiệp, góp phần tích cực thay đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao năng suất, sản lương các loại cây trồng chính của tỉnh.
Toàn tỉnh có khoảng gần 80.000 hộ nông dân ứng dụng IPM trên các loại cây trồng với tổng diện tích cây trồng có khoảng 30.000 ha.

Chương trình IPM được áp dụng tại tỉnh từ năm 1994. Đến nay, sau nhiều năm phát triển, Chương trình đã chứng minh được tính ưu việt vượt trội trong quản lý các đối tượng sinh vật gây hại, đặc biệt giảm phần lớn lượng thuốc Bảo vệ thực vật để bảo vệ môi trường và sức khỏe của cộng đồng. Các biện pháp áp dụng trong IPM còn là cơ sở để phát triển các tiến bộ kỹ thuật như ICM, 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, rau an toàn, thực hành nông nghiệp tốt-GAP, kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến - SRI,… là nền tảng định hướng sử dụng chế phẩm sinh học trong quản lý sinh vật gây hại và canh tác theo hướng hữu cơ.

Năm 2021, thực hiện Chỉ thị số 8441/CT-BNN-BCTV của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 24/11/2020 về việc tiếp tục triển khai Chương trình Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao và có tiềm năng xuất khẩu; UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 225/KH-UBND về triển khai thực hiện Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao và có tiềm năng xuất khẩu giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình”, kế hoạch đang tiếp tục triển khai.

Năm 2023, thực hiện Quyết định số 3592/QĐ-BNN-BVTV của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 23/9/2022 về phê duyệt Kế hoạch hành động thúc đẩy ứng dụng Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây trồng chủ lực ở Việt Nam, giai đoạn 2022-2030”; hiện đã có 4 giảng viên IPHM Quốc gia được đào tạo. Đây là nguồn giảng viên để triển khai đào tạo giảng viên cấp tỉnh, cấp huyện trong thời gian tới.

Hòa Bình là một trong những tỉnh triển khai Chương trình IPM và các chương trình liên quan đến lĩnh vực nông, lâm nghiệp tốt nhất trong cả nước. Toàn tỉnh có khoảng gần 80.000 hộ nông dân ứng dụng IPM trên các loại cây trồng, như: Cây có múi, nhãn, mía, chuối... Tổng diện tích cây trồng có khoảng 30.000 ha. Mỗi ha ứng dụng IPM tăng bình quân 500-700 kg thóc so với tập quán canh tác cũ, giảm 1-2 lần phun thuốc; góp phần giữ gìn môi trường và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Hằng năm, sản lượng lương thực tăng thêm do ứng dụng IPM trên địa bàn tỉnh đạt gần 13 ngàn tấn, góp phần tích cực tăng nhanh năng suất, sản lượng lương thực của tỉnh. Từ việc tăng năng suất và giảm chi phí đã đem lại ích cho nông dân trong tỉnh ước trên 38 tỷ đồng/năm.

Với xu thế hướng tới một nền nông nghiệp sạch, có thể nói chương trình IPM là một trong những giải pháp ưu việt, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm. Chương trình góp phần quan trọng vào công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng nền sản xuất nông nghiệp bền vững góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới./.