DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Hiệu quả thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa

25/10/2023 16:30
Theo kết quả tổng hợp từ các huyện, thành phố, trong giai đoạn 2021-2023, tổng diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa đạt 5.887,26 ha.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích hợp trên đất trồng lúa kém hiệu quả góp phần nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập

Trong đó, bao gồm: Diện tích chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm đạt 5.372,27 ha. Trong đó chuyển đổi trên đất 2 vụ lúa 2.231,01 ha; đất 1 vụ lúa 3.241,26 ha. Loại cây trồng được chuyển đổi chính gồm: Ngô, rau đậu các loại, mía, cây dược liệu, lạc, khoai lang, cỏ chăn nuôi…

Diện tích chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm đạt 244,35 ha trong đó chuyển đổi trên đất 2 vụ lúa 95,85 ha; đất 1 vụ lúa 148,50 ha; Loại cây trồng được chuyển đổi chính gồm: Cây ăn quả có múi, ổi, nhãn…

Diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản đạt 26,28 ha trong đó chuyển đổi trên đất 2 vụ lúa 14,39 ha; đất 1 vụ lúa 8,43 ha.

Các địa phương có diện tích lũy kế chuyển đổi lớn gồm: huyện Lạc Sơn (2.644,73 ha), huyện Kim Bôi (688,94 ha), huyện Tân Lạc (668,71 ha), Cao Phong (976,62 ha).

Một số mô hình, vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa đạt hiệu quả kinh tế cao như: Chuyển đổi trồng các loại rau họ bầu bí (bí xanh, dưa chuột, dưa hấu, lặc lày) tại các huyện: Kim Bôi, Tân Lạc, Lạc Thủy, Yên Thủy, Lạc Sơn, Mai Châu cho thu nhập trung bình 150 – 200 triệu đồng/ha/vụ. Mô hình chuyển đổi trồng mía tím tại huyện Cao Phong, Tân Lạc cho thu nhập 200-300 triệu đồng/ha/năm; chuyển đổi trồng khoai lang cho thu nhập từ 130-150 triệu đồng/ha/vụ. Mô hình liên kết nông dân với các công ty sản xuất giống, sản xuất cây lấy hạt giống mướp đắng, dưa chuột… tại huyện Kim Bôi, Lạc Sơn cho thu nhập khá trên 120 triệu đồng/ha/vụ vv.

Nhìn chung, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa được quan tâm, có chủ trương, sự chỉ đạo thống nhất của cấp ủy Đảng, Chính quyền địa phương trong chỉ đạo, điều hành. Một số địa phương đã ban hành Nghị quyết, Kế hoạch để thực hiện, chủ động chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương và nhu cầu thị trường; Đa số người dân đều hướng ứng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa giúp các quy định, chính sách chuyển đổi mang tính thực tiễn cao. Thủ tục đăng ký chuyển đổi được thực hiện tại cấp xã, phường; thủ tục nhanh gọn, dễ hiểu giúp người dân được tiếp cận dễ dàng. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa, đặc biệt những diện tích trồng lúa kém hiệu quả giúp tiết kiệm, tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên nước mặt ở những khu vực khô hạn, khó khăn lấy nước đổ ải, tưới dưỡng lúa. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa vẫn đảm bảo kế hoạch diện tích, sản lượng cây lương thực có hạt; trong khi đó các cây trồng được chuyển đổi cho hiệu quả kinh tế khá đến cao, khuyến khích người mở rộng diện tích chuyển đổi, tạo thành các vùng chuyển đổi tập trung sản xuất hàng hóa. Góp phần gia tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích và thúc đẩy kinh tế địa phương./.