Hai năm qua, tỉnh đã ban hành các chương trình, kế hoạch thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt và các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất trồng trọt theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có 02 nghị quyết về chính sách hỗ trợ phát triển một số sản phẩm trồng trọt chủ lực và chính sách hỗ trợ tiêu thụ nông sản; 01 chỉ thị về đẩy mạnh việc phát triển hợp tác, liên kết sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng cánh đồng lớn và vận động người dân cải tạo vườn tạp. Đồng thời, UBND các huyện, thành phố đã có các chính sách hỗ trợ phát triển một số cây trồng chủ lực của địa phương như: Nghị quyết về phát triển cây ăn quả có múi của huyện Tân Lạc, Lạc Thủy; hỗ trợ chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP (huyện Cao Phong); quy hoạch vùng đủ điều kiện sản xuất rau an toàn(thành phố Hòa Bình).
Kết quả bước đầu khi thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt thể hiện rõ về giá trị thu nhập, công tác tổ chức sản xuất và công tác tiêu thụ sản phẩm. Giá trị thu nhập sản xuất trồng trọt của tỉnh đã có những chuyển biến rõ rệt, tăng liên tục theo từng năm: Năm 2013 đạt 85 triệu đồng/ha/năm, đến năm 2015 đạt 104,4 triệu đồng/năm, cao hơn bình quân cả nước khoảng 20% và thuộc diện đứng đầu các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc. Bước đầu hình thành các mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn cung ứng cho thị trường Hà Nội và phục vụ xuất khẩu. Tỉnh đã quy hoạch phát triển một số vùng cây trồng chủ lực như: Quy hoạch vùng sản xuất cây ăn quả có múi với diện tích dự kiến khoảng 10.800 ha; Quy hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Hòa Bình đến 2020; thành lập hiệp hội mía tím Hòa Bình; thành lập các Hợp tác xã; thành lập hiệp hội Cam Cao Phong.
Bước đầu thực hiện dồn điển đổi thửa phát huy hiệu quả. Trong hai năm 2014 – 2015 đã thực hiện chuyển đổi trên 3.000 ha trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như rau sạch, mía…áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Công tác tiêu thụ sản phẩm đang có những chuyển biến tích cực, thị trường nông sản của tỉnh đang được mở rộng. Đã ký kết chương trình hợp tác xúc tiến thương mại và liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với Sở NN&PTNT Hà Nội; Tổng Công ty Sông Hồng liên kết hợp tác với Công ty TNHH MTV Cao Phong, tính chủ động của các HTX mới thành lập đã giúp cho tỷ lệ tiêu thụ qua hợp đồng với nhóm cây trồng chủ lực tăng khá mạnh, đạt trên 30%, đặc biệt là đối với sản phẩm cây có múi.
Tuy nhiên diện tích sản xuất trồng trọt đáp ứng đủ điều kiện an toàn thực phẩm, theo tiêu chuẩn còn hạn chế, quy mô mới ở các điểm mô hình; sự liên kết trong sản xuất còn bất cập về lợi ích kinh tế; công tác xúc tiến thương mại chưa tốt, thị trường tiêu thụ nông sản còn hẹp; các hình thức tổ chức sản xuất chậm đổi mới và hoạt động chưa hiệu quả.
Giai đoạn 2016 – 2020, thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt, ngành nông nghiệp xác định cần tiếp tục đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến và tăng cường công tác khuyến nông. Mở rộng diện tích trồng các giống có năng suất, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường; đẩy mạnh ứng dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt đối với các cây trồng chủ lực để nâng cao năng suất, chất lượng, có sức cạnh tranh với thị trường. Xác định tổ chức lại sản xuất, thúc đẩy quá trình thực hiện tái cơ cấu: Xây dựng vùng chuyên canh sản xuất, phát triển mạnh mẽ các hình thức tổ chức của nông dân; tiếp tục rà soát và quản lý việc thực hiện các quy hoạch phát triển một số cây trồng chủ lực; tăng cường hơn nữa liên kết giữa nông dân, các tổ chức của nông dân và doanh nghiệp để hợp tác đầu tư sản xuất kinh doanh tiêu thụ sản phẩm./.