Hiện phòng giao dịch NHCSXH huyện Cao Phong có tổng nguồn vốn hoạt động của đơn vị là 145.393 triệu đồng trong đó nguồn vốn từ Trung ương là 143.507 triệu đồng; nguồn vốn huy động tại địa phương là 1.488 triệu đồng. NHCSXH huyện đã tổ chức giải ngân kịp thời nguồn vốn tín dụng chính sách đến đối tượng thụ hưởng theo quy định tại các Điểm giao dịch xã. Phòng giao dịch đang triển khai thực hiện 10 chương trình tín dụng ưu đãi với tổng dư nợ trên 144.679 triệu đồng. Trong đó dư nợ hộ nghèo đạt cao nhất trên 54 tỉ đồng, dư nợ cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn đạt trên 29 tỉ đồng; dư nợ cho vay học sinh sinh viên gần 19 tỉ đồng…phòng giao dịch huyện đang triển khai nhiều biện pháp để phát huy hiệu quả của từng chương trình cho vay. Do đó tỉ lệ nợ quá hạn trên địa bàn thấp đạt 0,2%/tổng dư nợ. Thông qua 10 chương trình tín dụng ưu đãi, hiệu quả đồng vốn đã hỗ trợ tích cực cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống, bảo đảm an sinh xã hội. Kênh tín dụng ưu đãi thông qua phương thức ủy thác cho vay qua các tổ chức chính trị – xã hội đã phát huy tính công khai, dân chủ, tiết kiệm chi phí; các mối quan hệ giữa NHCSXH với các tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền cơ sở và nhân dân thêm gần gũi, bền chặt hơn. Các tổ chức hội, đoàn thể thông qua 198 tổ Tiết kiệm và vay vốn làm tốt công tác quản lý vốn, huy động tiết kiệm. Có thể nói, chính sách tín dụng xã hội đã tập trung phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của người dân, gắn tín dụng chính sách với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Nhờ thủ tục cho vay vốn ngày càng đơn giản, công tác phối hợp với đoàn thể thực hiện phương thức uỷ thác cho vay tín chấp thông qua Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên đã giúp cho đồng vốn được giải ngân đúng đối tượng, các hộ được hỗ trợ, tư vấn, giám sát sử dụng đồng vốn đúng mục đích và hiệu quả. Gia đình anh Bùi Đức Hậu tại xóm Ong 2, xã Nam Phong có 4 khẩu, trước đây gia đình anh thuộc diện hộ nghèo; năm 2011 hộ vay NHCSXH huyện 20 triệu đồng để trồng mía, cam và sau 3 năm nhờ cần cù chịu khó lao động sản xuất, tới nay hộ gia đình anh đã có 4.000m2 trồng cam, bưởi; riêng mía có diện tích trồng 1,4ha, thu nhập từ mía năm 2013 ước khoảng 250 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 115 triệu đồng/năm. Ngoài ra, còn rất nhiều hộ gia đình khác đã thoát nghèo nhờ được vay vốn ưu đãi và tích cực phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình giảm nghèo bền vững góp phần tích cực vào việc thay đổi diện mạo nông thôn miền núi, xây dựng nông thôn mới. Như vậy, thông qua nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH, rất nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thu nhập thấp đã có vốn hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Nguồn vốn cho vay được quản lý, phân bổ và sử dụng hiệu quả, đúng mục đích đã từng bước nâng cao đời sống nhân dân, tăng cường lòng tin của nhân dân vào các chính sách của Đảng và Nhà nước./.