Phần lớn các dự án bước đầu đã đảm bảo việc thực hiện khép kín từ khâu đầu vào sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; đảm bảo thành phần tham gia theo các khâu của chuỗi: gồm doanh nghiệp, nông dân, Hợp tác xã. Trong đó doanh nghiệp đóng vai trò chính xây dựng và duy trì hoạt động của chuỗi, đảm nhân khâu tiêu thụ sản phẩm; Hợp tác xã đảm nhận khâu tổ chức sản xuất. Một số địa phương đã thực hiện tốt việc phân rõ trách nhiệm các thành phần tham gia chuỗi giá trị rõ ràng trong các khâu, được cụ thể hóa thông qua các hợp đồng; có hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa người sản xuất và đơn vị bao tiêu sản phẩm, hợp đồng liên kết giữa đơn vị cung ứng vật tư với đơn vị chủ trì thực hiện dự án. Việc thực hiện các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đã góp phần nâng cao kiến thức về liên sản xuất cho người dân, thay đổi tư duy sản xuất nhỏ lẻ, nhằm tạo ra một số sản phẩm an toàn, hướng đến truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu và quảng bá được sản phẩm lợi thế của địa phương.
Tiêu biểu trong thời gian qua có một số mô hình cho hiệu quả tốt như: Các dự án liên kết sản xuất trên địa bàn huyện Kỳ Sơn gồm: Dự án liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm từ cây dược liệu, Dự án liên kết sản xuất - tiêu thụ dưa chuột theo chuỗi giá trị; Dự án liên kết sản xuất - tiêu thụ nấm ăn và nấm dược liệu. Các dự án liên kết sản xuất trên địa bàn huyện Lạc Thủy: Đối với Dự án sản xuất ớt và bí đỏ tập trung xã Yên Bồng và vùng phụ cận; Dự án sản xuất rau an toàn tập trung xã Lạc Long và xã Đồng Tâm; Dự án sản xuất chuỗi gà ri Lạc Thủy thực hiện tại xã Đồng Tâm và Phú Thành. Dự án liên kết mở rộng sản xuất - tiêu thụ rau hữu cơ theo chuỗi giá trị tại huyện Lương Sơn....
Tuy nhiên, do mới bắt đầu triển khai thực hiện nên việc tổ chức thực hiện dự án còn lúng túng, mất nhiều thời gian, bộc lộ một số hạn chế như: Nhận thức của một số người dân về thực hiện dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn chưa đúng, chưa đủ. Phần lớn các dự án mới chỉ tập trung vào hỗ trợ đầu vào như giống, vật tư mà chưa chú trọng vào hỗ trợ việc xúc tiến thương mại, quảng bá xây dựng thương hiệu sản phẩm; chưa ký được hợp đồng bao tiêu sản phẩm ổn định, bền vững với các doanh nghiệp, hợp tác xã nên đầu ra sản phẩm còn bấp bênh, chưa có thị trường tiêu thụ ổn định. Một số dự án chưa đảm bảo được quy mô thực hiện dự án theo yêu cầu; diện tích thực hiện còn manh mún, nhỏ lẻ chưa liền vùng liền khoảnh thành vùng sản xuất tập trung; chưa thành lập được hợp tác xã để thực hiện tốt khâu tổ chức sản xuất; chưa vận động được đông đảo người dân tham gia vào quá trình sản xuất sản phẩm.
Khi thực hiện các nội dung liên kết sản xuất: Cơ bản các chuỗi đã hỗ trợ theo các quy định, tuy nhiên vẫn nặng về hỗ trợ đầu vào và cơ sở hạ tầng mà chưa chú trọng đến đầu ra và chất lượng sản phẩm. Số chuỗi có đủ thành phần HTX và doanh nghiệp tham gia chưa nhiều, một số chuỗi thiếu hẳn thành phần hợp tác xã, vai trò doanh nghiệp không rõ ràng. Nhiều chuỗi chưa có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, có hợp đồng thì tỷ lệ sản phẩm được tiêu thụ thấp. Cơ bản các chuỗi đảm bảo được quy mô trong năm 2017 và có khả năng hoàn thành trong năm 2018. Rất ít chuỗi (6/23 chuỗi) thực hiện được việc chứng nhận vietgap/ATTP và hỗ trợ tem nhãn. Các chủ đầu tư chưa giao thực hiện các hạng mục cho các doanh nghiệp, hợp tác xã nên chưa phát huy được vai trò của doanh nghiệp, HTX.
Định hướng thời gian tới, ngành NN&PTNT tập trung kiện toàn các nội dung sau: Đảm bảo có đủ thành phần HTX và Doanh nghiệp tham gia, thể hiện cụ thể thông qua hợp đồng giữa doanh nghiệp-HTX và người dân. Trao trách nhiệm thực hiện các hạng mục đã được duyệt cho HTX và Doanh nghiệp, đảm bảo sản xuất gắn với tiêu thụ là trách nhiệm của doanh nghiệp. Chỉ hỗ trợ các hạng mục cần thiết mà người dân không tự đầu tư được, tập trung vào chứng nhận GAP/ATTP, truy xuất nguồn gốc, tiêu thụ nông sản; hạn chế việc hỗ trợ đầu vào. Đảm bảo quy mô, địa điểm, số hộ tham gia, kinh phí thực hiện theo quy định.