Theo đó, Sở đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các địa phương khẩn trương tiến hành thu hoạch những ao, hồ, lồng bè nuôi đã đến kỳ thu hoạch. Đối với các giống loài thủy sản chưa đến kỳ thu hoạch cần tăng cường cho ăn đầy đủ, đúng liều lượng với các loại thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao và bổ sung thêm các loại Vitamin; những lồng, bè đang nuôi cần gia cố lồng nuôi vững chắc, di chuyển vào nơi neo đậu an toàn; nếu không có khu vực neo đậu an toàn cần tăng cường số lượng dây neo chằng chống cho lồng nuôi; các ao, hồ, đầm đang nuôi cần kiểm tra, tu sửa đập tràn, những chỗ bờ xung yếu gia cố lại, hoặc giăng lưới quanh bờ chống thất thoát cá khi nước tràn.
Đảm bảo mực nước ổn định, duy trì nước trong ao cân bằng với nước bên ngoài đề phòng mưa to, nước lớn làm vỡ bờ ao. Bên cạnh đó, các hoạt động khai thác thủy sản cần thường xuyên theo dõi tình hình mưa bão, lũ, trên các bản tin dự báo thời tiết để ứng phó kịp thời và thông báo cho các chủ phương tiện cùng tham gia khai thác thuỷ sản biết; neo đậu tàu, thuyền vào nơi an toàn và tuân thủ các cảnh báo của cơ quan chức năng khi có diễn biến xấu về thời tiết; các chủ tàu thuyền cần trang bị các thiết bị an toàn cho người và tàu thuyền khi tham gia khai thác thủy sản như áo phao, phao cứu sinh, thiết bị thông tin liên lạc, đèn, còi.
Đồng thời những vùng bị ảnh hưởng do mưa bão cần khẩn trương khắc phục bằng cách gia cố lại bờ, hệ thống cống cấp thoát nước, vệ sinh ao, đầm phục hồi sản xuất; kiểm tra môi trường ao, hồ, đầm và lồng nuôi, dùng vôi và chế phẩm sinh học để xử lý môi trường; đánh giá số lượng vật nuôi bị thiệt hại, chủ động chuẩn bị con giống thả bổ sung, nhằm đảm bảo kế hoạch về năng suất sản lượng.