Báo cáo của UBND tỉnh Hoà Bình đã nêu rõ: Tổng quỹ đất lâm nghiệp dự kiến giao cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình là 191.774,82ha; số cộng đồng dân cư, hộ gia đình dự kiến giao: 70.341 chủ rừng; tiến độ thực hiện điều tra, đo đạc, lập hồ sơ, cấp giấy quyền sử dụng đất 143.003,63ha. Công tác giao đất, giao rừng của tỉnh mới chỉ tập trung giao đất mà chưa giao rừng, do địa hình chia cắt, phức tạp nên còn có sự chồng chéo tạo ra sự tranh chấp giữa các địa phương, vùng miền, chủ rừng. Diện tích rừng chưa có chủ, thuộc trách nhiệm quản lý của UBND xã, xong chưa có cơ chế, chính sách để chính quyền cấp xã thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng có hiệu quả. Việc giải quyết tranh chấp rừng và đất lâm nghiệp được các cấp, các ngành quan tâm, tuy nhiên tiến độ còn chậm, không dứt điểm xuất phát từ hồ sơ, ranh giới quản lý của chủ rừng không đầy đủ, thiếu căn cứ pháp lý và chậm được bổ sung. Kinh phí để phục vụ giao đất giao rừng cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình chủ yếu từ nguồn ngân sách địa phương là trên 383 tỷ đồng.
Kết quả, giai đoạn 2006-2016, tổng diện tích được giao là 48.771,2 ha cho 713 cộng đồng, đạt 100% so với kế hoạch; giao 104.964,7 ha cho 51.107 hộ gia đình, đạt 100% kế hoạch. Sau khi đươc giao đất, giao rừng, cộng đồng dân cư xóm và các hộ gia đình đã có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ rừng. Các thôn, bản có rừng trên địa bàn tỉnh đã thành lập các tổ Bảo vệ rừng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thành lập được 1.830 tổ, đội quần chúng tham gia bảo vệ rừng với 12.028 người tham gia, 206 xã có rừng đã xây dựng được bản Quy ước bảo vệ rừng. Diện tích rừng được trồng từ 2006-2016 là 55 nghìn ha; diện tích rừng tự nhiên được khoanh nuôi, bảo vệ là 76.951,99 lượt ha, chủ yếu do cộng đồng dân cư, hộ gia đình bỏ công chăm sóc, bảo vệ. Tỷ lệ che phủ rừng sau 10 năm tăng từ 40,4% lên 51,2%.
Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đánh giá làm rõ thêm và khẳng định chính sách giao đất, gia rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình vùng dân tộc thiểu số là hoàn toàn đúng đắn. Công tác bảo vệ và phát triển rừng có hiệu quả hơn, góp phần xoá đói giảm nghèo và nâng cao đời sống cho người dân. Việc triển khai các văn bản hướng dẫn được người dân hết sức đồng tình, ủng hộ, tiến độ giao đất, giao rừng được đẩy nhanh. Tuy nhiên, những hạn chế về kinh phí cùng với đó là khó khăn trong đầu tư, khuyến khích của Nhà nước đối với các hộ gia đình có đời sống kinh tế khó khăn đã có ảnh hưởng tới hiệu quả bảo vệ, giữ rừng sau khi giao. Mức hỗ trợ thấp, cơ chế hưởng lợi từ giao khoán còn bất cập, thủ tục khai thác sử dụng còn rờm rà; quy định về việc giám sát, tăng trưởng rừng hàng năm chưa có cơ chế dẫn đến chất lượng rừng giảm…
Tỉnh Hoà Bình kiến nghị với đoàn công tác của Quốc hội sửa đổi một số quy định cũng như điều chỉnh lại khái niệm chưa phù hợp trong Luật Đất đai năm 2013 và Dự thảo Luật BVPTR; tăng cường kiểm tra giám sát công tác giao đất, giao rừng. Đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương quan tâm nguồn kinh phí để sớm tổ chức kiểm kê rừng trên địa bàn toàn quốc; xây dựng chính sách hưởng lợi và cơ chế hưởng lợi đảm bảo cho đối tượng nhận rừng yên tâm quản lý, bảo vệ và tăng cường đầu tư để phát triển rừng; thay đổi các quy trình kỹ thuật lâm sinh không còn phù hợp…
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị tỉnh cần tiến hành giao đất rừng cho cộng đồng quản lý. Đặc biệt, để có được hiệu quả lâu dài, tỉnh phải tạo điều kiện, phát huy cho người dân được hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên diện tích rừng và đất rừng được giao. Đoàn công tác cũng ghi nhận đề xuất kiến nghị của tỉnh, tổng hợp để báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết nhất là về kinh phí và hỗ trợ, ban hành cơ chế hưởng lợi cho quản lý, bảo vệ phát triển rừng.