DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn sau năm năm thực hiện

14/05/2014 00:00

Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/2009/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2020 sau 5 năm năm thực hiện đã giúp cho người lao động nâng cao kỹ năng nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định đời sống, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đề án cần có những giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.

Bình quân hàng năm toàn tỉnh có 17.000 lao động được đào tạo nghề.

Từ thực trạng công tác đào tạo nghề trên địa bàn

Hiện trên địa bàn có có trên 600 giáo viên, người dạy nghề và cán bộ quản lý nghề đang làm việc ở 34 cơ sở, bình quân hàng năm có 17.000 lao động được đào tạo nghề, sau 5 năm thực hiện Đề án đã có 85.000 lao động được đào tạo, trong đó có 17.435 lao động được thụ hưởng kinh phí đề án, Số lao động sau đào tạo có việc làm đạt 75%. Sau 5 năm đã có 07/11 Trung tâm dạy nghề được hỗ trợ đầu tư xây dựng, 11/11 Trung tâm được hỗ trợ mua sắm trang thiết bị. Có 1.891 cán bộ, công chức xã được đào tạo bồi dưỡng, và 88 học viên đã tốt nghiệp lớp Trung cấp Lao động - Xã hội hệ vừa học vừa làm. Qua việc chỉ đạo, điều hành của 11/11 Ban chỉ đạo ở các huyện, thành phố, 191/210 Ban điều hành cấp xã cho thấy sau 5 năm đã có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của cấp Ủy, Chính quyền địa phương các cấp, đặc biệt là lực lượng lao động nông thôn đã biết cách tổ chức sản xuất trên chính quê hương của mình, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội, góp phần tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo của địa phương. Đã quan tâm tạo điều kiện về quỹ đất để đầu tư xây dựng các Trung tâm Dạy nghề, tạo điều kiện để bố trí các cơ sở vật chất, một số trang thiết bị dạy nghề thiết yếu, bố trí về cán bộ giáo viên phục vụ cho công tác đào tạo. Các cơ sở đào tạo cơ bản đã có sự thống nhất về cách thức tổ chức, rút ra được những kinh nghiệm về dạy nghề để tiếp tục áp dụng cho việc đào tạo nghề cho các năm tiếp theo.

Tuy nhiên, việc tham mưu và phối hợp giữa các ngành chức năng trong quá trình thực hiện Đề án 1956 còn chậm, chưa đồng bộ, dẫn đến triển khai dạy nghề cho cho LĐNT còn chậm và kết quả chưa đạt kế hoạch đề ra. Hầu hết các cơ sở dạy nghề đều mới thành lập, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề, đội ngũ cán bộ giáo viên còn thiếu và yếu về trình độ chuyên môn. Việc tổ chức sản xuất sau dạy nghề gặp rất nhiều khó khăn do bố trí vốn chưa hợp lý. Nguồn kinh phí đầu tư cho lĩnh vực dạy nghề, kinh phí dạy nghề cho LĐNT còn hạn chế chủ yếu do ngân sách TW hỗ trợ thông qua Đề án. Việc nhận thức về tầm quan trọng của học nghề ở một bộ phận người lao động chưa cao, tâm lý ngại học, cam chịu cuộc sống khó khăn không có ý chí vươn lên trong cuộc sống. Công tác rà soát nhu cầu học nghề và ngành nghề chưa được cập nhập thường xuyên. Công tác lựa chọn nghề, chương trình đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu của người học, của từng địa phương. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của các CSDN còn thiếu, đội ngũ giáo viên cơ hữu chưa đủ theo quy định. Việc bố trí cán bộ chuyên trách về dạy nghề tại các Phòng Lao động - TBXH huyện, thành phố còn chậm.

Đến những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề

Để thực hiện đạt chỉ tiêu mà Nghị quyết tỉnh Đảng bộ đề ra đến năm 2015, nâng tỷ lệ lao động của tỉnh qua đào tạo đạt 45% và 65% vào năm 2020, chúng ta cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung

Trước hết, cần tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong xã hội về trách nhiệm của các cấp, các ngành và của toàn xã hội về tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm đối với việc phát triển kinh tế xã hội, từ đó giúp cho người lao động nắm bắt cơ hội có việc làm hoặc tự tạo việc làm, lựa chọn việc học nghề và việc làm thông qua nhiều hình thức tuyên truyền cho từng nhóm đối tượng.

Hai là, thường xuyên rà soát tình hình biến động về số lượng và chất lượng lao động, nhu cầu học nghề của từng địa phương sát với việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế để có kế hoạch đào tạo gắn với giải quyết việc làm tại chỗ là chính kết hợp với đào tạo theo địa chỉ và nhu cầu xã hội theo phương thức liên kết 4 nhà. Đẩy mạnh phát triển kinh tế để kích cầu học nghề. Đa dạng hoá hình thức đào tạo nghề, phát triển thị trường lao động thông qua sàn giao dịch việc làm, kết hợp dạy nghề với việc phát triển các làng nghề truyền thống để truyền nghề.

Ba là, tăng cường quản lý nhà nước về dạy nghề một cách hiệu quả, trong đó chú trọng bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác dạy nghề. Triển khai đồng bộ các văn bản hướng dẫn của Trung ương. Trước mắt thực hiện tốt các nội dung quy định trách nhiệm tổ chức thực hiện Đề án tại Thông tư liên bộ số 30/2012. Quy hoạch và định hướng các cơ sở đào tạo, Đề án phát triển nguồn nhân lực, đề án xuất khẩu lao động. Thực hiện phân cấp triệt để “Lấy cấp huyện là cấp kế hoạch, tổ chức thực hiện Đề án; tăng cường vai trò của cấp xã là cấp cơ sở thực hiện Đề án”. Thực hiện đẩy mạnh xã hội hóa công tác dạy nghề.

Bốn là,  đề nghị với Trung ương cần có các văn bản hướng dẫn cụ thể, kịp thời các chính sách cho phù hợp với điều kiện của từng địa phương như: hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại cho học viên, và các chính sách vay vốn tạo việc làm, chính sách hỗ trợ bao tiêu sản phẩm đầu ra cho sản xuất nông nghiệp, đào tạo cán bộ xã, phường. Tiếp tục hỗ trợ cho tỉnh Hòa Bình nhằm nâng cao điều kiện và năng lực cho các cơ sở dạy nghề và kinh phí đào tạo cho lao động theo mức Đề án quy định. Năm là, thường xuyên sơ kết theo định kỳ, đột xuất nhằm đánh giá biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích, đồng thời điều chỉnh những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện./.