DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Gia tăng đóng góp của ngành lâm nghiệp trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp

30/06/2023 16:12
Sau 03 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TU ngày 30/7/2020 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về phát triển bền vững rừng sản xuất tỉnh Hòa Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, các cấp ủy đảng đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện nghị quyết đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao ý thức trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh.
Hai năm gần đây lĩnh vực lâm nghiệp đã có sự gia tăng đáng kể trong ngành nông nghiệp,

Tỷ trọng đóng góp của lĩnh vực lâm nghiệp trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2020 là 9,37% và tăng lên 11,11% năm 2022 (tăng 1,74%). Ngành lâm nghiệp đã có bước phát triển mới, từng bước khẳng định được vị thế, vai trò của kinh tế rừng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần nâng cao đời sống người dân. Diện tích rừng trồng tăng nhanh. Nhiều gia đình có thu nhập ổn định và làm giàu từ kinh tế rừng, góp phần duy trì độ che phủ rừng của tỉnh ở mức 51,5% trở lên.

Một số kết quả nổi bật trong thực hiện các chỉ tiêu của Nghị quyết 27, như: Độ che phủ rừng là 51,69 %  vượt so với chỉ tiêu đặt ra là trên 50%; Diện tích rừng trồng kinh doanh gỗ lớn đạt trên 21 nghìn ha; Diện tích rừng được chuyển hóa từ rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh rừng gỗ lớn khoảng 78 nghìn ha, tính đến thời điểm hiện tại đạt 67 % chỉ tiêu của Nghị quyết đến năm 2025; đã có 33,3% tương ứng với khoảng 10 nghìn ha diện tích rừng sản xuất là rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC)

Nhìn chung, từ khi Nghị quyết số 27-NQ/TU được ban hành và tổ chức thực hiện, nhận thức của chính quyền cơ sở và của nhân dân về phát triển rừng sản suất theo hướng thâm canh rừng trồng gỗ lớn có sự chuyển biến tích cực, một số huyện, thành phố đã sử dụng kinh phí địa phương để xây dựng mô hình trồng rừng gỗ lớn, đã thúc đẩy lan tỏa, nhân rộng trong nhân dân như: Huyện Mai Châu (Mô hình trồng cây Tông dù); huyện Lạc Sơn, Lạc Thủy, Tân Lạc... (Mô hình trồng Keo tai tượng Úc). Đối với rừng trồng gỗ lớn (từ 1-3 năm tuổi) cây trồng sinh trưởng tốt, do thời gian ngắn chưa có trữ lượng, chưa đủ tiêu trí thành rừng nên chưa đủ cơ sở để đánh giá về năng suất và thu nhập từ rừng. Tuy nhiên, theo báo cáo tại địa phương đã xuất hiện nhiều mô hình kinh doanh rừng gỗ lớn chu kỳ 10 - 12 năm, sản lượng đạt 150 -200m3/ha cho thu nhập 150 - 200 triệu đồng/ha; lợi nhuận thu về cao hơn nhiều rừng trồng kinh doanh gỗ nhỏ. Đối với chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn, theo thống kê năng suất rừng trồng giai đoạn 2020 trở về trước bình quân đạt 12 m3/ha/năm, đến năm 2022 bình quân đạt 16 m3/ha/năm, tăng 4 m3/ha/năm, sản lượng gỗ bình quân năm 2022 là 80 m3/ha/chu kỳ 5 năm; giá trị thu được bình quân trên 1 ha tăng 1,33 lần so với năm 2020. Từng bước nâng cao thu nhập cho người dân vươn lên làm giàu từ kinh doanh rừng gỗ lớn, điều này có ý nghĩa quan trọng đối với đồng bào các dân tộc ít người vùng sâu, vùng xa của tỉnh có đời sống thu nhập còn nhiều khó khăn.

Thời gian tới, tiếp tục đẩy mạnh nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững rừng sản xuất là rừng trồng trên cơ sở hình thành chuỗi liên kết từ trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị tăng thêm ngành lâm nghiệp, khả năng cạnh tranh của sản phẩm gỗ tạo thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tổ chức lại sản xuất, phát huy thế mạnh từ rừng sản xuất nhằm nâng cao giá trị sản xuất trên 01 đơn vị diện tích, đưa lâm nghiệp trở thành lĩnh vực có tăng trưởng cao và bền vững. Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, sự tham gia của toàn thể cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, hộ gia đình và nhân dân, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động, trách nhiệm về công tác phát triển rừng sản xuất bền vững. Phối hợp với các Bộ, ngành trung ương và các cơ quan liên quan trong tỉnh tổ chức tuyển chọn các giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao để sử dụng trồng thâm canh rừng gỗ lớn; tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho các chủ rừng chuyển hóa từ rừng trồng kinh doanh gỗ nhỏ sang rừng trồng kinh doanh gỗ lớn. Tăng cường nguồn lực đầu tư hỗ trợ cho trồng rừng sản xuất, chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ nhỏ sang gỗ lớn, cấp chứng chỉ FSC. Đặc biệt kêu gọi nguồn đầu tư từ các doanh nghiệp tham gia liên kết với người dân về cấp chứng chỉ rừng FSC đảm bảo các điều kiện cho chế biến xuất khẩu./.