Cô Hoàng Phương Thảo – giảng viên dạy nghề tin học, đồng thời cũng là giảng viên dạy bộ môn ATVSLĐ cho biết, hiện nhà trường quy định cụ thể về nội dung, chương trình, cũng như thời lượng giảng dạy về ATVSLĐ.
Theo đó, trong suốt 3 năm học, học sinh có 189 tiết để học và thực hành về ATVSLĐ. Ngoài ra, quá trình học sinh đi thực tập nghề, nhà trường cùng các doanh nghiệp cũng có buổi nói chuyện ngoại khóa, thực hành về việc phòng tránh, xử lý tai nạn lao động. Tuy được nhà trường quan tâm tạo điều kiện về thời gian nhằm nâng cao kiến thức về lĩnh vực ATVSLĐ, nhưng chương trình học vẫn còn ngắn, thiếu trang thiết bị phục vụ thực hành nên hiệu quả chưa cao.
Thầy Trương Tuấn Dũng – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất là thiếu đội ngũ giáo viên. Hiện nay trường có gần 50 cán bộ, giáo viên tham gia giảng dạy, nhưng chỉ có 1/3 trong số đó được đào tạo, tập huấn kiến thức về ATVSLĐ. Vì thế, tuy nhà trường đã xây dựng một bộ môn giảng dạy riêng về ATVSLĐ nhưng vẫn chưa có giảng viên cơ hữu, chủ yếu vẫn là giáo viên dạy nghề đứng lớp”. Ngoài ra, tại trường này, hệ thống trang thiết bị phục vụ giảng và thực hành về ATVSLĐ như: Bông băng, gạc, nẹp… phục vụ cho việc sơ cấp cứu và các thiết bị bảo hộ lao động cho các ngành này cũng còn nhiều thiếu thốn.