Hiện trên địa bàn toàn tỉnh có 544 hồ chứa thủy lợi các loại, trong đó có 474 hồ chứa thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, 70 hồ chứa không thuộc phân loại hồ tại Nghị định 114/2018/NĐ-CP. Trong 474 đập, hồ chứa nước cần thực hiện các quy định về an toàn đập có 49 hồ lớn, 151 hồ đập loại vừa, 274 hồ đập loại nhỏ. Hiện Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi quản lý 208 hồ chứa là các hồ chứa lớn và vừa trên địa bàn tỉnh, số lượng hồ chứa còn lại được phân cấp cho cấp huyện quản lý, trực tiếp là các Hợp tác xã, tổ hợp tác và UBND các xã vận hành khai thác. Nhìn chung, các công trình hồ chứa của tỉnh được xây dựng từ năm 1960-1990 là những công trình được đầu tư từ Ngân sách nhà nước đều đã quá thời hạn kiểm định, nên số lượng công trình đập cần kiểm định chất lượng an toàn nhiều dẫn đến cần nguồn kinh phí rất lớn để thực hiện kiểm định. Do vậy hầu hết các hồ chứa trên địa bàn tỉnh đến thời gian kiểm định đều chưa được thực hiện kiểm định. Hiện tại có 01 công trình hồ Đầm Bài thành phố Hòa Bình đã thực hiện kiểm định an toàn đập, hồ chứa nước. Tuy vậy, những hồ chứa đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng cũng đã được đầu tư sửa chữa, nâng cấp để đảm bảo an toàn. Đến nay mới chỉ có 15 công trình hồ chứa thực hiện được cắm mốc hành lang bảo vệ đập.
Nhằm xây dựng phương án đảm bảo an toàn công trình và phương án đảm bảo an toàn vùng hạ du, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình đã phê duyệt danh mục 140 công trình hồ chứa có dung tích từ 500.000 m3, hoặc chiều cao trên 12 m phải lập phương án đảm bảo an toàn công trình tại Quyết định số 2568/QĐ-UBND ngày 20/01/2014. Đến nay các hồ chứa có dung tích từ 500.000 m3, hoặc chiều cao trên 12 m đã được xây dựng xong phương án đảm bảo an toàn công trình và phương án đảm bảo an toàn vùng hạ du. Hiện tại trên địa bàn tỉnh tổng số công trình đập, hồ chứa đang triển khai thực hiện sửa chữa là 29 công trình gồm: 04 công trình được hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương; 02 công trình được hỗ trợ từ Quỹ phòng chống thiên tai và nguồn ngân sách huyện; 03 công trình được hỗ trợ từ nguồn ngân sách tỉnh; 04 công trình từ ngân sách huyện; 16 công trình thuộc tiểu dự án 3 (WB8). Hiện tại các công trình đã thi công cơ bản hoàn thành khối lượng; 02 công trình đang thực hiện thủ tục đầu tư (hồ Cháu Mè, hồ Hào Tân Xã Tú Lý, huyện Đà Bắc).
Qua báo cáo của các huyện, thành phố, Công ty Khai thác công trình thủy lợi, phần lớn các công trình đập, hồ chứa nước trên địa bàn các huyện được đánh giá đảm bảo an toàn trước mùa mưa lũ năm 2024. Tuy vậy hiện tại vẫn còn một số công trình bị hư hỏng cần được tiếp tục sửa chữa nâng cấp để đảm bảo an toàn. Cụ thể, qua rà soát có 176 hồ bị hư hỏng xuống cấp, 368 hồ còn lại hoạt động bình thường. Số lượng hồ đập hư hỏng xuống cấp chiếm 31,8% tổng số hồ chứa toàn tỉnh, trong đó có 29 công trình đang được đầu tư sửa chữa từ nguồn ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh, ngân sách huyện và nguồn vốn WB8, tuy nhiên do điều kiện khó khăn về kinh phí nên chưa có kinh phí để sửa chữa, nâng cấp, hàng năm các đơn vị quản lý, khai thác thực hiện gia cố đảm bảo an toàn cho công trình trong mùa mưa lũ. Các công trình hư hỏng, xuống cấp cần nâng cấp sửa chữa có 147 hồ, đập chứa nước thủy lợi; các hồ đập bị hư hỏng ở các hạng mục như thấm qua thân và nền đập, lún, nứt, sạt trượt mái dốc, xói lở thượng hạ lưu, hư hỏng, xói lở tràn hoặc tràn không đảm bảo khả năng thoát lũ, rò rỉ cống lấy nước… cần phải có kế hoạch để sửa chữa trong thời gian tới.
Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn luôn chủ động trong công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai, ban hành kịp thời các công văn chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn công trình thuỷ lợi, an toàn hồ đập, hồ chứa nước trước và trong mùa mưa lũ; chỉ đạo đảm bảo an toàn các công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh. Đôn đốc các địa phương, đơn vị thường xuyên rà soát, xác định chính xác các khu vực trọng điểm xung yếu; rà soát phân loại và đánh giá mức độ an toàn tất cả các hồ chứa trên địa bàn tỉnh; xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho từng khu vực, từng công trình; có phương án bố trí lực lượng và phân bổ kinh phí cụ thể, sát với thực tế và điều kiện từng địa phương; thường xuyên kiểm tra đôn đốc, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện; phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan, tổng hợp tình hình và đề xuất UBND tỉnh các biện pháp đối phó khi có tình huống xảy ra. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong công tác phòng tránh thiên tai; chủ động nắm vững các địa bàn nguy hiểm về sạt lở, tái định cư để khi có hỗ trợ kinh phí của Trung ương là có thể triển khai được các dự án tái định cư, chống sạt lở nhằm phát huy hiệu quả của dự án, nhanh chóng đảm bảo ổn định đời sống nhân dân.
Khó khăn hiện nay, số lượng công trình nhiều, lại nằm rải rác, phân tán, công tác quản lý khó khăn. Hồ sơ tài liệu không được lưu trữ hoặc lưu trữ không đầy đủ, khó khăn cho công tác sửa chữa cũng như quản lý bảo đảm an toàn công trình. Bộ máy tổ chức quản lý Nhà nước về thủy lợi cấp huyện, xã còn yếu và thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu, hầu hết các xã không có cán bộ có nghiệp vụ về lĩnh vực thủy lợi nên hiệu quả quản lý hạn chế. Vẫn có tình trạng xâm phạm hành lang bảo vệ công trình, đổ đất vào lòng hồ, chăn thả súc vật trên bề mặt công trình... dẫn đến tình trạng công trình xuống cấp, hư hỏng và có nguy cơ bị lấn chiếm diện tích lòng hồ. Khó khăn trong cân đối kinh phí để sửa chữa và nâng cấp các công trình hồ chứa hư hỏng. Do đó, ngành nông nghiệp kiến nghị Trung ương sớm có hỗ trợ kinh phí thực hiện bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Kết luận số 36-KL/TW, ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị; thực hiện công tác kiểm định an toàn đập; cắm mốc phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa nước theo quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi. Hỗ trợ bố trí kinh phí nâng cấp, sửa chữa các công trình xuống cấp, công trình bị hư hỏng do thiên tai không bảo đảm an toàn trên địa bàn tỉnh..../.