DetailController

Trồng trọt

Đà Bắc: Phát huy thế mạnh tài nguyên rừng

22/03/2024 15:14
Tổng diện tích tự nhiên huyện Đà Bắc 77.976,81ha, có 65.995,07 ha rừng và đất lâm nghiệp, phân bố trên địa bàn 17 xã, thị trấn (chiếm trên 84,6% diện tích tự nhiên). Trong đó, đất có rừng đặc dụng 4.853,19 ha; đất rừng phòng hộ 23.960,73 ha; đất rừng sản xuất 18.722,38 ha; độ che phủ của rừng là 60,96 %. Thực hiện Chỉ thị số 53 ngày 6/5/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, những năm qua huyện đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm bảo vệ và phát triển kinh tế rừng.

Theo số liệu diễn biến rừng, tính đến 31/12/2023 đất lâm nghiệp có diện tích là 59.678,81 ha, chiếm 76,5 % tổng diện tích tự nhiên của huyện. Trong những năm qua, công tác quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường ngày càng cao; diện tích đất lâm nghiệp có rừng được bảo vệ và phát triển; Pháp luật hiện hành quy định khá toàn diện, đầy đủ về các nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp nói chung, đất lâm nghiệp có rừng nói riêng. Các quy định pháp luật đã cơ bản bảo đảm bảo vệ nghiêm ngặt đối với đất có rừng tự nhiên, đặc biệt là đất rừng phòng hộ và đất rừng đặc dụng; đồng thời khuyến khích phát triển đất lâm nghiệp có rừng, tạo thuận lợi cho các chủ thể khai thác tiềm năng, lợi thế của đất lâm nghiệp để tăng thu nhập, phát triển kinh tế và bảo đảm lợi ích của Nhà nước.

Công tác trồng rừng thay thế, rừng phòng hộ, rừng sản xuất bằng cây gỗ lớn, cây đa mục đích kết hợp kinh doanh lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu dưới tán rừng được quan tâm. Từ năm 2019 đến 31/12/2023 toàn huyện Đà Bắc diện tích trồng rừng tập trung được 3.489,5 ha, bình quân mỗi năm toàn huyện trồng được trên 697 ha chủ yếu là rừng sản xuất, với các loài cây Keo tai tượng thực sinh, Bồ đề, Trẩu, Mỡ, mặc dù diện tích không tăng những chất lượng rừng ngày một tăng lên do chất lượng giống dần được kiểm soát. Hiện tượng khai thác rừng non cũng giảm dần, mô hình kinh doanh gỗ lớn dần được quan tâm phát triển. Bên cạnh đó, tăng cường công tác khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh phục hồi rừng, nâng cao hiệu quả kinh tế, khả năng phòng hộ và giá trị đa dạng sinh học của rừng, gắn quản lý đất rừng với bảo vệ, phát triển tài nguyên rừng bền vững.

Thời gian tới, huyện tiếp tục triển khai quán triệt sâu rộng Chỉ thị số 53-CT/TU, ngày 6/5/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng đất rừng gắn với bảo vệ, phát triển tài nguyên rừng bền vững; các chủ trương, chính sách của Đảng, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức trách nhiệm của toàn thể cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, hộ gia đình và toàn thể nhân dân trong tỉnh về công tác bảo vệ và phát triển rừng. Tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương đặc biệt là vai trò của người đảng viên trong công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng đất rừng gắn với bảo vệ, phát triển tài nguyên rừng bền vững. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng bằng việc tăng cường sự phối hợp có hiệu quả giữa các phòng, ban, ngành và chính quyền cơ sở; Thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp trong lĩnh vực bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng và quản lý lâm sản; thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, thiết lập trật tự, kỷ cương trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các chuỗi giá trị lâm sản. Tạo cơ chế và môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp và hợp tác xã phát triển tại mỗi vùng nguyên liệu. Hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực cho chủ rừng; hỗ trợ cho người dân, thanh niên khởi nghiệp từ rừng; Khuyến khích tiến trình quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng. Đưa giống tốt vào sản xuất, thực hiện thâm canh và xác định chu kỳ kinh doanh hợp lý để bảo tồn và bồi bổ đất; Hoàn thiện cơ chế, chính sách cho việc mở rộng thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng, trong đó có chi trả dịch vụ thương mại carbon rừng, trao đổi, giao dịch hạn ngạch giảm phát thải./.