Mục tiêu tổng thể của Chiến lược Quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là đảm bảo người dân nông thôn được quyền tiếp cận sử dụng dịch vụ cấp nước sạch công bằng, thuận lợi, an toàn với chi phí hợp lý; bảo vệ sức khỏe, giảm các bệnh liên quan đến nước và vệ sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân nông thôn, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn với thành thị, góp phần xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu đến năm 2030 có 65% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy chuẩn với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày. 100% hộ gia đình nông thôn, trường học, trạm y tế có nhà tiêu hợp vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn; 100% người dân nông thôn thường xuyên thực hiện vệ sinh cá nhân. Phấn đấu 25% điểm dân cư nông thôn tập trung có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, 15% nước thải sinh hoạt được xử lý; 75% hộ chăn nuôi, trang trại được xử lý chất thải chăn nuôi. Đến năm 2045, phấn đấu 100% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch và vệ sinh an toàn, bền vững; 50% điểm dân cư nông thôn tập trung có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, 30% nước thải sinh hoạt được xử lý; 100% hộ chăn nuôi, trang trại được xử lý chất thải chăn nuôi.
Để đạt được mục tiêu trên, Chiến lược đưa ra các giải pháp cụ thể. Về cấp nước sạch nông thôn, Chiến lược thực hiện đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung gắn với khai thác, quản lý vận hành theo quy hoạch được duyệt, đảm bảo an ninh nguồn nước, thích ứng biến đổi khí hậu; đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung quy mô lớn, đồng bộ, liên xã, liên huyện, kết nối với hệ thống cấp nước đô thị ở những nơi phù hợp. Đối với vệ sinh nông thôn, ứng dụng và phổ biển các giải pháp công nghệ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh đơn giản, phù hợp tập quán địa phương và khả năng chi trả của người dân. Ngoài ra, Chiến lược cũng đưa ra một số giải pháp thực hiện về khoa học công nghệ; hợp tác quốc tế; huy động nguồn lực; phát triển nguồn lực; giám sát đánh giá và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương liên quan.
Phát biểu tham luận tại hội nghị, đồng chí Đinh Công Sứ , Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh đã cam kết thực hiện đúng theo Chiến lược đề ra. Đồng chí Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh đề xuất một số giải pháp thực hiện: Sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định cấp nước sinh hoạt nông thôn trong năm 2021 theo hướng điều chỉnh các quy định phù hợp, có tính chất đặc thù, tạo cơ sở pháp lý triển khai hoạt động cấp nước nông thôn trong giai đoạn tới. Nghiên cứu đề xuất mô hình quản lý, vận hành công trình cấp nước tập trung nông thôn phù hợp với từng vùng, miền đảm bảo hoạt động hiệu quả. Cần sớm xây dựng, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật về sản xuất nước sạch nông thôn. Đầu tư hệ thống cấp nước sạch quy mô lớn liên xã, liên huyện. Xây dựng các công trình cấp nước sạch, vệ sinh nông thôn phù hợp ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đông dân cư, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, vùng khan hiếm nước. Cân đối, bố trí kịp thời theo điều kiện thực tế nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông và Phát triển nông thôn nhấn mạnh: Việc ban hành Chiến lược Quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 là rất cần thiết. Hoạt động cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn phải thực hiện theo phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng. Đẩy mạnh xã hội hoá cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn, thu hút mọi nguồn lực tham gia đầu tư xây dựng, quản lý vận hành công trình, đảm bảo hoạt động hiệu quả, bền vững. Phát triển hạ tầng cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn phù hợp với văn hoá, tập quán, điều kiện cụ thể từng vùng, đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng của ngành, lĩnh vực khác, đảm bảo an toàn, bền vững trước tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu./.