Tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp đạt 6,01%/năm; đến năm 2015 chiếm 11,67% giá trị sản xuất toàn ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản. Hằng năm trồng mới 8,6 nghìn ha rừng, chăm sóc và khoanh nuôi trên 40 nghìn ha; khai thác 195.000m3 gỗ. Diện tích rừng và đất lâm nghiệp được quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng bền vững và hiệu quả; đến nay độ che phủ rừng đạt 49,41% góp phần đảm bảo môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai, tăng khả năng sinh thái, bảo tồn nguồn gen và tính đa dạng sinh học, tạo việc làm cho người lao động, tăng thu nhập cho dân cư sống ở nông thôn miền núi, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định chính trị xã hội, an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh. Hiện, toàn tỉnh có 33 cơ sở sản xuất chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ quy mô vừa và nhỏ, một số cơ sở là tư nhân nhỏ lẻ. Trong đó có 02 nhà máy sản xuất ván MDF công suất thiết kế 94.000m3 và 20.000 m3 ván ghép thanh, tạo điều kiện thuận lợi phát triển vùng nguyên liệu, gắn trồng rừng, bảo vệ rừng với khai thác - chế biến. Diện tích trồng rừng thâm canh được mở rộng, hình thành vùng nguyên liệu tập trung; từng bước chuyển đổi cơ cấu khai thác sản phẩm gỗ no sang khai thác gỗ lớn cung cấp nguyên liệu cho chế biến sâu, chế biến tinh đồ gỗ xuất khẩu đang được các địa phương quan tâm thực hiện.
Tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản đạt bình quân giai đoạn 2011 - 2015 là 6%/năm, năm 2015 ngành thủy sản đạt 204 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 3,48% giá trị sản xuất toàn ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản; tổng sản lượng đạt 5,8 nghìn tấn trong đó nuôi trồng đạt 4,2 nghìn tấn. Đã hình thành một số vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, phát triển nuôi cá lồng trên các sông, hồ, các thủy vực lớn phát triển mạnh; đến năm 2015 có 1.950 lồng, tăng 2,5 lần so với năm 2011, năng suất đạt 17,9 tấn/1000m3 thể tích lồng nuôi. Đến nay đã có 7 doanh nghiệp đầu tư nuôi cá lồng trên Hồ Thủy điện Hòa Bình, sản phẩm cá sông Đà được tiêu thụ chủ yếu trên thị trường Hà Nội. Sản lượng giống sản xuất hằng năm từ 21 - 30 triệu con/năm, tuy nhiên mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu con giống trên địa bàn tỉnh, lượng giống thiếu hụt được cung ứng từ tỉnh ngoài vào địa bàn nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ, chất lượng chưa đảm bảo. Đã thực hiện nhân tạo thành công các giống: Trắm cỏ, Chép, mè, Trôi, Rôphi và cá Lăng Chấm; cơ sở vật chất và trang thiết bị của các cơ sở sản xuất giống còn thiếu và lạc hậu.
Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Hòa Bình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng sản xuất sản phẩm có giá trị kinh tế cao, hiệu quả kinh tế tốt, sản phẩm đặc trưng có thương hiệu, đảm bảo phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm hằng năm đạt 4,5%; đến năm 2020 thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 37 triệu đồng/năm; giá trị thu nhập trên 1 ha trung bình đạt 120 triệu đồng/ha; giá trị thu nhập trên 1 ha nuôi trồng thủy sản đạt 150 triệu đồng/ha. Sớm hoàn thành việc đổi mới, sắp xếp các nông, lâm trường quốc doanh, chuyển các đơn vị này hoạt động theo hình thức công ty theo Luật Doanh nghiệp. Cắt giảm diện tích đất các nông lâm trường để sử dụng vào các mục đích có hiệu quả hơn. Ưu tiên đầu tư hệ thống thủy nông đảm bảo nguồn nước tưới, đến năm 2020 nâng diện tích dưới chủ động lên 95%, tiêu chủ động lên 90% diện tích cây hằng năm. Kiện toàn sắp xếp lại các trung tâm giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản để thực hiện các chương trình giống cây trồng, vật nuôi, tạo ra guống có chất lượng và năng suất cao, giá cả hợp lý, phục vụ nhu cầu sản xuất của nông dân. Phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 5,5%/năm; đến năm 2020 chiếm tỷ trọng 11,2% giá trị ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản; độ che phủ rừng trên 50%, sản lượng gỗ khai thác 410.000m3, tỷ lệ diện tích và sản lượng gỗ dân dụng, xây dựng cơ bản chiếm 70%./.