Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vương Đắc Hùng, trước diễn biến dịch lở mồm long móng (LMLM) xuất hiện ở nhiều địa phương trên cả nước làm hàng nghìn gia súc bị bệnh. Đặc biệt, trong tháng 3 năm 2014, tỉnh Sơn La đã công bố dịch LMLM tuýp A tại huyện Vân Hồ và Mộc Châu giáp ranh với huyện Mai Châu. Trước tình hình đó, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo UBND các huyện, thành phố tăng cường hoạt động của các chốt kiểm dịch tạm thời trên địa bàn và đẩy mạnh công tác tiêm phòng cho đàn gia súc. Vì vậy, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn chưa ghi nhận có ổ dịch LMLM. Bên cạnh đó, Chi cục Thú y tỉnh cũng đã chủ động, phối hợp và thành lập nhiều đoàn đi kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm tại các địa phương; kiểm tra hoạt động của các chốt kiểm dịch tạm thời để nhắc nhở cán bộ trực chốt, cán bộ thú tăng cường công tác kiểm soát chặt chẽ động vật, sản phẩm động vật lưu thông nhằm ngăn ngừa dịch bệnh lây lan vào địa bàn. Đồng thời chỉ đạo các trạm chủ động triển khai công tác tiêm phòng các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thực hiện xong việc tiêm phòng vắc xin LMLM với 55.300 liều do Trung ương cấp và 55.300 liều đối ứng của tỉnh cho đàn gia súc đợt I. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã thường xuyên, định kỳ làm tốt công tác vệ sinh khử trùng, tiêu độc môi trường chuồng trại chăn nuôi, nơi có nguy cơ phát dịch cao và ổ dịch cũ với tổng diện tích phun là 9.664.000m2. Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã phối hợp với các ban, ngành chức năng đã tăng cường tuyên truyền sâu rộng về tính chất lây truyền và tác hại của dịch LMLM trên các phương tiện thông tin đại chúng để người chăn nuôi nhận biết dịch từ đó chủ động phòng chống; các cơ quan chuyên môn phổ biến, hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp chăn nuôi an toàn, cách phát hiện và hạn chế lây lan phát sinh dịch; duy trì tốt công tác kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ động vật trên địa bàn và các chốt kiểm dịch tạm thời; không nhập gia súc, gia cầm từ các tỉnh đang có dịch bệnh vào địa bàn tỉnh; các địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm tại địa bàn để phát hiện dịch bệnh nhằm chủ động phòng, chống...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác phòng, chống dịch bệnh LMLM cũng gặp những khó khăn do tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp. Đặc biệt là dịch LMLM tuýp A, O...vẫn liên tiếp xảy ra ở một số khu vực, gây thiệt hại về mặt kinh tế, ảnh hưởng lớn đến sản xuất chăn nuôi của người nông dân. Hơn nữa, chương trình chỉ tiêm phòng vắc xin cho đàn trâu, bò là chủ yếu, đối với lợn các nông hộ chăn nuôi phải tự túc tiêm nên một số người còn coi nhẹ. Vì vậy, công tác tiêm phòng vắc xin LMLM chưa đạt được hiệu quả cao trên diện rộng; cơ sở vật chất, kỹ thuật của hệ thống thú y chưa đáp ứng được yêu cầu của việc chủ động triển khai công tác quản lý dịch bệnh, quản lý pháp chế chuyên ngành chưa được đầu tư nâng cấp. Do đó, việc quản lý dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm nói chung và bệnh LMLM còn khó khăn. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân về việc tiêm phòng và bảo vệ sản xuất chăn nuôi còn hạn chế; một số nơi tỷ lệ tiêm phòng vắc xin cho gia súc còn thấp, có nơi phải tổ chức tiêm bổ sung và tiêm vét nhiều lần mới đạt kế hoạch. Ngoài ra, sự vào cuộc của chính quyền cơ sở ở địa phương một số nơi chưa thực sự khẩn trương và quyết liệt; văn bản chỉ đạo của các cấp, ngành thì có nhưng chính quyền cơ sở ít quan tâm chỉ đạo mà gần như giao cho thú y cơ sở tự tổ chức, thực hiện.
Cũng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do là tỉnh miền núi, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, thu ngân sách của địa phương hạn chế, chưa cân đối được, còn phụ thuộc nhiều vào nguồn ngân sách của Trung ương cấp hàng năm. Trong khi đó, tỉnh chỉ có 7/11 huyện, thành phố thuộc diện vùng đệm Chương trình quốc gia khống chế bệnh LMLM. Vì vậy, Sở đang đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bổ sung 3 huyện và thành phố Hòa Bình vào vùng đệm Chương trình quốc gia khống chế bệnh LMLM giai đoạn 2011-2015. Đồng thời cấp thêm cho tỉnh 30.000 liều vắc xin LMLM hàng năm để tiêm phòng hết cho đàn gia súc còn lại của 4 huyện, thành phố.