DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Chủ động phát hiện và phòng, chống Châu chấu hại cây trồng

23/06/2022 00:00
Ngày 20/6/2022, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật ban hành Công văn số 201 về việc chủ động điều tra, phát hiện và phòng, chống Châu chấu hại cây trồng.
Hình ảnh thực tế châu chấu tre gây hại trên cây trồng, đặc biệt ảnh hưởng là cây ngô và các cây họ đỗ

Ngày 16/6/2022, Cục Bảo vệ thực vật có công văn số 1646/BVTV-TV về việc theo dõi và phòng, chống Châu chấu tre hại cây trồng. Ở Hòa Bình, các loài Châu chấu gây hại thường xuyên và phổ biến trên cây trồng đặc biệt là loài Châu chấu mía(Hieroglyphus tonkinensis). Qua rà soát và kiểm tra thực tế cho thấy Châu chấu mía phát sinh gây hại trên những diện tích hại cũ, mật độ gây hại phổ biến 20-30 con/m2, trung bình 50-70 con/m2, cục bộ 100-300 con/m2. Dự báo thời gian tới, châu chấu mía tiếp tục di chuyển và gây hại mạnh, nhiều khi thành từng đàn lớn tấn công cây trồng.

Để phòng trừ hiệu quả đối tượng này, không để chúng lây lan thành dịch, Chi cục Trồng trọt Bảo vệ thực vật Hoà Bình đề nghị Phòng Nông nghiệp và  phát triển nông thôn các huyện, phòng Kinh tế thành phố; Trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố thực hiện một số giải pháp sau:

Rà soát, xác định và khoanh vùng những nơi Châu chấu thường tập trung giao phối, đẻ trứng; phân công địa bàn cho các cán bộ kỹ thuật và đội ngũ khuyến nông viên xã, tăng cường bám sát đồng ruộng, thường xuyên điều tra, phát hiện Châu chấu mía gây hại đặc biệt tại các vùng hại cũ như: Cao Phong, Tân Lạc, Lương Sơn, Mai Châu và Đà Bắc.

Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn cho các hộ dân hiểu rõ đặc điểm phát sinh và tác hại của Châu chấu đàn; thông báo với các khu vực xung quanh, các địa phương có diện tích rừng tre, luồng, lành hanh, mía, ngô, lúa... huy động mọi nguồn lực để diệt trừ châu chấu đồng loạt, tập trung chỉ đạo các biện pháp phòng trừ không để Châu châu phát tán gây hại. Thường xuyên kiểm tra sự xuất hiện và gây hại của Châu chấu nếu có thông báo ngay cho cơ quan chuyên môn để chủ động bao vây, phòng trừ kịp thời.

Những diện tích có Châu chấu đang sống quần tụ cần tổ chức diệt trừ bằng các biện pháp thủ công như vợt, nếu diện tích lớn không thể khống chế được thì sử dụng biện pháp hóa học để tiêu diệt. Sử dụng các loại hoạt chất như Abamectin, Emamectin benzoate, Lufenuron, Cypermethrin… phun theo hướng dẫn sử dụng của bao bì. Hay các hoạt chất khác có trong danh mục được phép sử dụng ở Việt Nam đăng ký trừ đối tượng này.

Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo kịp thời về diễn biến và kết quả phòng trừ Châu chấu. Những vướng mắc phát sinh cần thông tin kịp thời về Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (bà Đào: 0979988965; bà Trang: 0974805291; ông Thương: 0978480266) để phối hợp xử lý./.