DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Chủ động công tác phòng, chống dịch cho gia súc, gia cầm trong dịp Tết Nguyên đán

05/02/2015 00:00
Việc chủ quan trong công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất cũng như thu nhập của bà con nông dân. Để khắc phục tình trạng này, hiện nay các ban, ngành, các địa phương đang tích cực khuyến cáo, hướng dẫn bà con nông dân trên địa bàn chủ động trong công tác phòng chống dịch dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi.

Trong năm 2014, toàn tỉnh đã thực hiện tốt việc phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. 11 chốt kiểm dịch tạm thời được duy trì, kiểm soát được hơn 23 nghìn lượt vận chuyển với 669 nghìn con gia cầm, 114 nghìn con lợn, 2 nghìn lượt trâu, bò, 36 tấn sản phẩm động vật ra vào tỉnh; phun khử trùng tiêu độc 16 nghìn lít thuốc sát trùng phun được 33 triệu m2; tiêm phòng hơn 4,2 triệu lượt gia cầm, 108 nghìn liều vắc xin tụ huyết trùng và 240 nghìn liều vắc xin lở mồm long móng trâu bò, 131 nghìn liều vắc xin cho đàn lợn; kiểm dịch 9,2 triệu gà giống và gà thương phẩm, 12 triệu trứng giống và trứng thương phẩm; 371 nghìn trâu, bò, lợn. Nhìn chung,  tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi vẫn xảy ra nhỏ lẻ ở một số địa phương trong tỉnh, song đã được khống chế, ngăn chặn kịp thời, không để lây lan rộng.

Tuy nhiên, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong các tháng cuối năm 2014, tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn cả nước có nhiều diễn biến phức tạp. Cụ thể đến tháng 12 năm 2014 đã có 31 xã của 6 tỉnh xảy ra dịch lở mồm long móng gia súc, trong đó có 2 tỉnh Thanh Hóa và Sơn La giáp Hòa Bình. Đặc biệt, dịch lở mồm long móng type A đã xảy ra tại 6 xã của 4 huyện là Vân Hồ, Mộc Châu, Bắc Yên và Phù Yên tỉnh Sơn La. Đến nay, tuy dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng diễn biến vẫn tiềm ẩn tính phức tạp do thời tiết và việc buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật của các tổ chức, cá nhân vào dịp cuối năm để phục vụ Tết Nguyên đán Ất Mùi tăng lên. Vì vậy, việc phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm đang được các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vương Đắc Hùng, hiện nay Sở đã có văn bản đề nghị các đơn vị và UBND các huyện, thành phố tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi. Theo đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm (đặc biệt các bệnh truyền lây sang người) tại các cơ sở chăn nuôi, ổ dịch cũ, các chợ đầu mối buôn bán động vật, sản phẩm động vật nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phát hiện sớm dịch; khi có dịch xảy ra thực hiện báo cáo kịp thời, khoanh vùng khống chế xử lý không để dịch lây lan ra diện rộng, áp dụng các biện pháp chống dịch quyết liệt nhanh chóng dập tắt ổ dịch và thông tin kịp thời cho ngành y tế cùng cấp để phối hợp xử lý. Chủ động thành lập các đoàn kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương trên địa bàn, tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm tra, kiểm soát đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, buôn bán động vật, sản phẩm động vật… Chỉ đạo, đôn đốc công tác khử trùng tiêu độc thường xuyên tại các chợ đầu mối, các tụ điểm buôn bán gia súc, gia cầm, ổ dịch cũ, khu chăn nuôi…trên địa bàn tỉnh; tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng để người chăn nuôi biết về tác hại, tính chất lây lan và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; hướng dẫn người dân  thực hiện chăn nuôi gia súc, gia cầm an toàn dịch bệnh. Các tổ chức, cá nhân buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, sản phẩm động vật thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật và hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn về công tác phòng chống dịch bệnh động vật, kiểm dịch, kiểm soát động vật; tăng cường hoạt động tại chốt kiểm dịch động vật tạm thời đóng trên địa bàn; phối hợp với các cơ quan chức năng, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật và sản phẩm động vật. Xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không đảm bảo vệ sinh, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Xây dựng kế hoạch tiêm phòng vắc xin năm 2015 của các huyện, thành phố Quyết định số 119/QĐ-UBND ngày 26/01/2015 của UBND tỉnh Hòa Bình về việc phê duyệt kế hoạch triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh năm 2015. Theo dõi chặt chẽ thông tin về thời tiết khí hậu, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại đối với sản xuất chăn nuôi trong vụ đông, xuân 2014-2015.