DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Chủ động đẩy mạnh sản xuất vụ Đông năm 2022

03/08/2022 00:00
Sản xuất vụ Đông năm 2021 tương đối thuận lợi, tổng diện tích gieo trồng và sản lượng cây hằng năm trong vụ đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Để chủ động trong sản xuất, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu gieo trồng vụ Đông năm 2022, ngay từ thời điểm này, ngành Nông nghiệp và PTNT đã yêu cầu các địa phương lên kế hoạch, chủ động triển khai các giải pháp đẩy mạnh sản xuất.
Sở NN&PTNT yêu cầu các địa phương chủ động trong sản xuất vụ Đông, lựa chọn cây màu phù hợp để gieo cấy

Với mục tiêu vụ Đông năm 2022 đảm bảo diện tích gieo trồng cây vụ Đông đạt 8.746 ha, tập trung vào 1 số cây chủ yếu như: Ngô: 4.000 ha (tập trung tại các huyện: Lạc Sơn, Kim Bôi, Yên Thủy, Lạc Thủy) bao gồm cả ngô sinh khối trồng dùng để chăn nuôi. Trong đó duy trì trên 2.500 ha trồng trên đất 2 lúa bằng các giống ngô lai có thời gian sinh trưởng ngắn và ngô nếp, ngô ngọt có năng suất và phẩm chất cao, có liên kết tiêu thụ ổn định. Khoai lang kế hoạch diện tích trồng 1.245 ha; Đậu tương diện tích trồng 48 ha; Diện tích lạc 10 ha; Duy trì diện tích cây rau đậu các loại vụ Đông với kế hoạch 3.216 ha (tập trung tại các huyện: Lương Sơn, Kim Bôi, Lạc Sơn, Thành phố Hòa Bình và Lạc Thủy), trong đó tập trung vào một cố loại rau có thế mạnh và ưa ấm như: bí xanh, bí đỏ, dưa chuột, các loại rau họ thập tự và tăng diện tích các loại rau bản địa như: tỏi tía, cải mèo, hành tăm...

Sở Nông nghiệp và PTNT yêu cầu các địa phương thực hiện rà soát, xác định cụ thể từng loại đất, diện tích sản xuất lúa vụ mùa sớm để bố trí diện tích sản xuất vụ đông. Vận động người dân tận dụng, khai thác tiềm năng đất đai, mở rộng diện tích và đa dạng các loại cây trồng vụ Đông. Rà soát nhanh, tập trung thu hoạch nhanh gọn trà lúa mùa sớm trong tháng 9 để giải phóng đất trồng, thực hiện làm đất ngay trồng cây vụ Đông ưa ấm như ngô, đậu tương, rau đậu ưa ấm. Những diện tích lúa trà muộn, tập trung trồng các cây rau ăn lá, các cây trồng ưa lạnh...Duy trì diện tích cơ cấu cây trồng có khung thời vụ dài như khoai tây, rau đậu,... sử dụng các giống lai F1, giống chất lượng cao có nguồn gốc trong nước hoặc nhập nội có phẩm chất tốt nhằm tăng giá trị trên đơn vị diện tích canh tác; các cây giống tranh thủ gieo cây giống trong vườn ươm để có điều kiện chăm sóc và khi có đất sẽ trồng được ngay, bảo đảm không ảnh hưởng đến sản xuất vụ Xuân năm 2023. Đối với diện tích gieo trồng ngô, đậu tương vụ đông cần sử dụng những giống có thời gian sinh trưởng ngắn, có sinh khối lớn và đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng, cân nhắc trồng các giống ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi đại gia súc tại chỗ; áp dụng các biện pháp kỹ thuật làm ngô bầu, áp dụng kỹ thuật làm đất tối thiểu để tận dụng lịch thời vụ.

Đôn đốc các địa phương tăng cường các biện pháp điều tiết nước hợp lý phục vụ sản xuất. Thực hiện biện pháp rút nước đệm phù hợp, đảm bảo độ ẩm đất để sau khi thu hoạch lúa mùa là làm đất và trồng ngay cây vụ Đông. Tiếp tục đầu tư hệ thống thuỷ lợi đảm bảo tưới tiêu chủ động phục vụ và nâng cao hệ số sử dụng đất lúa trồng mầu vụ Đông. Chỉ đạo, định hướng rải vụ trồng các loại rau vụ Đông ưa lạnh như su hào, bắp cải, đậu đỗ, bầu bí, dưa chuột,... bằng khuyến cáo các biện pháp kỹ thuật trồng sớm hoặc trồng muộn nhằm điều tiết sản phẩm, giảm tình trạng dư thừa, ùn ứ; những nơi có điều kiện thâm canh nên mở rộng diện tích cây khoai tây, dưa chuột để đạt hiệu quả cao hơn. Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, cân đối phân bón (đặc biệt các loại phân bón hóa học) trong thời điểm giá vẫn ở mức cao; tăng cường sử dụng phân hữu cơ, sử dụng nguồn phân chuồng, nguồn rơm rạ sau khi thu hoạch lúa vụ mùa để tận dụng bón và che phủ cho cây trồng vụ Đông. Trong sản xuất đặc biệt chú trọng về thời vụ: Đối với cây ưa ấm, chỉ đạo tập trung gieo trồng sớm để tranh thủ độ ẩm, đối với cây ngô, dưa chuột cần làm bầu để tranh thủ thời vụ khi chưa thu hoạch xong lúa. Đối với cây ưa lạnh và cây rau vụ đông tranh thủ gieo cây giống trong vườn ươm để có điều kiện chăm sóc và khi có đất sẽ trồng được ngay. Tăng cường công tác dự tính, dự báo, phòng trừ sâu bệnh; điều tiết nước hợp lý phục vụ sản xuất.

Bên cạnh đó, triển khai các giải pháp nhằm khuyến khích phát triển sản xuất như: Hỗ trợ kinh phí tập huấn, xây dựng mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng; bố trí kinh phí mua dự trữ giống, thuốc BVTV; Hỗ trợ chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, VietGAP; Hỗ trợ kinh phí kịp thời cho nông dân sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại gây ra; có chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản cho nông dân./.