DetailController

Trồng trọt

Chủ động ứng phó với tình hình hạn hán

05/04/2023 17:00
Ngày 4/4/2023, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có Công văn số 773/SNN-TL gửi UBND các huyện, thành phố, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Hòa Bình về tình hình hạn hán trên địa bàn tỉnh vụ Chiêm Xuân năm 2023.

Theo đánh giá của Đài Khí tượng thuỷ văn Hoà Bình về tình hình thời tiết, khí tượng thuỷ văn trên địa bàn tỉnh trong 3 tháng đầu năm 2023, nhiệt độ không khí trung bình 3 tháng đầu năm 2023 ở các nơi đạt từ 16,3 - 23,20C; phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) và cùng kỳ năm trước (CKNT) từ 1,0 - 2,20C, nhiệt độ cao nhất đạt 41,40C xảy ra vào ngày 22/3/2023 ở Kim Bôi gây nắng nóng cục bộ. Tổng lượng mưa 3 tháng đầu năm năm 2023 các nơi từ 7,7-72,2mm, đều ít hơn TBNN và CKNT từ 11 - 144mm. Với đánh giá của Đài Khí tượng thuỷ văn Hoà Bình, lượng mưa ít hơn cùng kỳ năm trước và trung bình nhiều năm như trên việc cấp nước tưới cho diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn.

Căn cứ báo cáo của các địa phương , qua chương trình  công tác kiểm tra phòng chống thiên tai và đảm bảo an toàn công trình đê điều, hồ đập và các khu dân cư năm 2023 do Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì kiểm tra các hồ chứa, công trình thuỷ lợi cấp nước tưới, diện tích sản xuất nông nghiệp bị hạn hán, nhận thấy mực nước tại một số hồ chứa ở các huyện: Kim Bôi, Lạc Sơn, Yên Thuỷ,… đến thời điểm hiện tại ở mức thấp, chỉ đạt 30% lượng nước hồ tích trữ phục vụ tưới tiêu cho vụ Chiêm Xuân năm 2023. Diện tích sản xuất nông nghiệp không đủ nước tưới dẫn đến tình trạng hạn hán, nhất là đối với diện tích lúa đang trong thời kỳ trổ đòng.

Từ ngày 27 đến ngày 30 tháng 3 năm 2023, đã có mưa với lượng nhỏ, với lượng mưa ngày lớn nhất đạt 21,1mm (huyện Mai Châu). Tuy đã có mưa nhưng chỉ đáp ứng phần nào lượng nước khắc phục hạn cho diện tích trồng cây rau màu, đối với diện tích đất trồng lúa nhìn chung vẫn cần lượng mưa lớn tạo thành dòng mới đảm bảo nước tưới cho cây lúa.

Theo thống kê, số liệu diện tích sản xuất nông nghiệp bị hạn hán là 8.252,1ha thiếu nướcước khoảng 35,98% diện tích tưới tiêu vụ Đông Xuân (22.933,4 ha kế hoạch diện tích tưới tiêu vụ Chiêm Xuân), trong đó địa phương bị hạn hán nặng nề nhất là huyện Yên Thuỷ, Lạc Sơn, Kim Bôi, Lương Sơn(có biểu chi tiết diện tích hạn kèm theo).

Để sớm khắc phục diện tích sản xuất nông nghiệp bị hạn hán trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố; Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thuỷ lợi tập trungtriển khai thực hiện một số nội dung sau:

Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố khẩn trương rà soát diện tích bị hạn hán, triển khai phương án chống hạn cung cấp nước tưới cho diện tích sản xuất nông nghiệp nhất là diện tích trồng lúa đang trong thời kỳ trổ đòng.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chiến dịch toàn dân làm thuỷ lợi đợt I năm 2023 để khơi thông dòng chảy dẫn nước từ các hồ chứa về kênh dẫn phục vụ công tác tưới tiêu tại địa phương.

Chủ động vận hành điều tiết hồ chứa trên địa bàn, sử dụng máy bơm bơm nước từ hồ chứa nước ra kênh dẫn nếu mực nước hồ dưới miệng cống để đảm bảo dẫn nước tưới tiêu;bơm nước tưới tiêu tại các trạm bơm, điều tiết nước tưới từ các hồ chứa phục vụ công tác tưới tiêu trên địa bàn tỉnh.

Khuyến khích, vận động người dân sử dụng các biện pháp tưới tiết kiệm nước, tăng cường giải pháp phòng chống hạn hán (che chắn nắng, ủ bạt giữ nước tránh bốc hơi) cho các cây trồng có giá trị kinh tế cao như: Cây ăn quả, cây dược liệu, cây lâu năm,…

Các địa phương, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thuỷ lợi Hoà Bình chủ động sử dụng kinh phí từ nguồn giá dịch vụ công ích thuỷ lợi để khắc phục tình trạng hạn hán trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình triển khai phương án chống hạn nếu vượt quá khả năng của địa phương, đơn vị đề nghị có văn bản báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh để có phương án xử lý kịp thời.

Thường xuyên có báo cáo về tình trạng hạn hán (nếu có) tại các địa phương gửi về Sở Nông nghiệp và PTNT để theo dõi, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh triển khai phương án xử lý kịp thời.