DetailController

Trồng trọt

Chủ động phòng trừ sâu bệnh hại trên lúa cuối vụ Mùa năm 2023

30/08/2023 16:30
Ngày 30/8/2023, Chi cục TT&BVTV (sở Nông nghiệp và PTNT)ban hành Công văn số 381 về việc phòng trừ sâu bệnh hại trên lúa cuối vụ Mùa năm 2023.
Lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và BVTV kiểm tra thực tế tình hình sâu bệnh hại lúa tại các địa phương

Hiện nay, diện tích lúa toàn tỉnh Hòa Bình đã trỗ khoảng 50%. Dự kiến từ nay đến trung tuần tháng 9 sẽ trỗ xong toàn bộ diện tích. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, ở các tỉnh phía Bắc từ nay cho đến khoảng 10 ngày đầu tháng 9 thời tiết diễn biến phức tạp; nắng nóng xuất hiện cục bộ, xen kẽ nhiều ngày có mưa vừa đến mưa to kèm theo dông bão là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh gây hại như: rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, bệnh khô vằn, bệnh đạo ôn...

Theo báo cáo của cơ quan chuyên môn hiện nay toàn tỉnh đã có 849,6ha nhiễm sâu cuốn lá nhỏ; 138,0ha nhiễm rầy; 216,0ha nhiễm bệnh khô vằn;...vv; diện tích này đang có xu hướng tăng nhanh có khả năng gây hại mạnh trong thời gian tới nếu không có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả.

Để đảm bảo thắng lợi năng suất lúa, giảm thiểu tác hại do sâu bệnh hại gây ra từ nay đến cuối vụ. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đề nghị các cơ quan chuyên môn tăng cường bám sát địa bàn, chỉ đạo cơ sở và hướng dẫn nông dân thực hiện tốt một số nội dung sau:

Thống kê các vùng, các xã có gieo cấy diện tích trà muộn, những khu đồng nhiễm sâu bệnh hại, hiện mật độ sâu hại lứa trước, tỷ lệ bệnh hại tăng cao. Tránh tư tưởng chủ quan, yên tâm khi thấy lúa đã trỗ bông. Phân công lịch trực dịp nghỉ lễ 2/9 để kịp thời nắm bắt, xử lý các tình huống phát sinh, kiên quyết không để sâu bệnh phát sinh trên diện rộng.

Chủ động phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng để tuyên truyền kịp thời về hình hình sâu bệnh hại trên lúa vụ và biện pháp phòng trừ.

Hướng dẫn nông dân kiểm tra đồng ruộng, nhận biết dịch hại, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”, đảm bảo trang bị đầy đủ bảo hộ lao động khi tiếp xúc với thuốc; thu gom và xử lý an toàn, đúng quy định với vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng.

Biện pháp xử lý với một số đối tượng chính như sau:

Đối với sâu cuốn lá nhỏ: Tiếp tục theo dõi và hướng dẫn phòng trừ theo công văn số 2067/SNN-TTBVTV ngày 02/8/2023 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tập trung phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa Mùa năm 2023.

Đối với rầy nâu, rầy lưng trắng: Theo dõi sát diễn biến phát sinh của rầy nâu, rầy lưng trắng trên các trà lúa; tổ chức phòng chống kịp thời những diện tích có mật độ cao 1500-2000 con/m2 ngay từ khi xuất hiện rầy cám (rầy tuổi 1 - 3) bằng các loại thuốc trừ rầy có tác dụng tiếp xúc như: Nibas 50EC; Mopride 20WP; Bassa 50EC, Virtako 40WG, Mofitox 40EC hay những thuốc khác có danh mục được sử dụng tại Việt Nam có đăng ký trừ rầy. Phun theo nồng độ, liều lượng khuyến cáo ghi trên bao bì.  Khi phun phải rẽ lúa, lùa vòi phun xuống dưới đảm bảo để thuốc tiếp xúc trực tiếp với rầy cư trú.

Nếu phun xong mật độ rầy vẫn còn cao phải phun lại lần 2, cách lần 1từ 3-5 ngày. Thời điểm phòng trừ: Với những diện tích rầy hiện tại tuổi 1-3 tập trung phun từ nay đến 05/9/2023; Với những diện tích rầy hiện tại trưởng thành – trứng tập trung phun trừ rầy từ 5/9 – 15/9/2023.

Bệnh đạo ôn cổ bông phát sinh và gây hại mạnh trên diện tích nhiễm đạo ôn lá trên các giống nhiễm, các ổ bệnh cũ. Đối với những diện tích lúa trỗ sau 2/9, trên giống nhiễm, các ổ bệnh cũ tiến hành phun phòng đạo ôn cổ bông khi lúa bắt đầu trỗ. Dùng một trong các thuốc: Filia® 525SE; Amistar Top® 325SC; Fuji-One 40EC, 40WP; Beam 75WP; Trizole 20 WP, 75WP, 75WG, 50 SC; Bulny 850WP; Abenix 10SC;... hoặc các thuốc khác có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam có đăng ký phòng trừ đối tượng này.

Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn: Những ruộng bị bệnh cần giữ mực nước từ 3-5cm. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, chỉ đạo phun trừ kịp thời bằng một trong các thuốc: Lino Oxto 200WP; Starner 20WP; Norshield  86.2WG; Apolits 20WP, 30WP, 40WP; Aliette 800 WG; Starsuper 10SC, 20SL, 20WP, 21SL, 60WP; Supervery 50WP v.v hay những thuốc khác có danh mục được sử dụng tại Việt Nam có đăng ký trừ đối tượng này.

Bệnh khô vằn tiếp tục phát sinh gây hại nặng làm nghẹn đòng, khô lá, hạt lép lửng, dễ đổ rạp sau các đợt mưa. Cần kết hợp phun thuốc trừ bệnh khô vằn như Anvil 5SC; Validacin 5L; Rovral 50WP...v.v hay những thuốc khác có danh mục được sử dụng tại Việt Nam có đăng ký trừ đối tượng này.

Ngoài ra cần chú ý một số đối tượng sinh vật gây hại khác trên lúa như: chuột hại, sâu đục thân, bọ xít dài...

Những vướng mắc phát sinh trong quá trình chỉ đạo sản xuất, đề nghị thông tin kịp thời về Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật./.