Cụ thể: Tại huyện Lạc Sơn xảy ra 03 ổ dịch, phải tiêu hủy 193 con lợn, tổng trọng lượng 7,3 tấn; huyện Yên Thủy xảy ra 07 ổ dịch, phải tiêu hủy 233 con lợn, tổng trọng lượng 10,2 tấn; huyện Kim Bôi xảy ra 04 ổ dịch, phải tiêu hủy 156 con lợn, tổng trọng lượng 9,6 tấn; huyện Đà Bắc xảy ra 01 ổ dịch, phải tiêu hủy 84 con lợn, tổng trọng lượng 2,5 tấn.
Lũy kế từ ngày 01/01/2023 đến ngày 20/10/2023, bệnh DTLCP xảy ra tại 103 hộ chăn nuôi, 36 thôn, 16 xã, của 05 huyện; tổng số lợn tiêu hủy là 726 con, trọng lượng tiêu hủy là 32.261 kg (đến nay toàn tỉnh có 13 xã, của 05 huyện có bệnh DTLCP chưa qua 21 ngày).
Theo phân tích, nguyên nhân xảy ra bệnh DTLCP do chưa thực hiện tốt việc kiểm soát giết mổ động vật, chưa kiểm soát chặt chẽ được việc mua bán, vận chuyển lợn trên địa bàn; hiện tượng mua bán lợn giống trên môi trường mạng, người mua và người bán không biết nhau, con giống không có nguồn gốc rõ ràng, hình thức thanh toán tiền qua trung gian thuê vận chuyển,… một số cơ sở đã tái phát bệnh Dịch tả lợn Châu Phi do mua phải lợn giống bị bệnh về nuôi làm gia tăng lây lan dịch bệnh động vật trên địa bàn. Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tái đàn chưa thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và mua con giống trôi nổi không rõ nguồn gốc. Người chăn nuôi vẫn còn chủ quan lơ là chưa chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Bệnh DTLCP do vi rút gây ra, diễn biến nhanh, phức tạp và có chiều hướng lây lan diện rộng nếu không thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch (phun khử trùng tiêu độc, tiêm phòng vắc xin, kiểm soát vận chuyển, kiểm soát giết mổ động vật...). Đồng thời qua kiểm tra thực tế một số hộ chăn nuôi chưa thực hiện tốt việc kê khai các hoạt động chăn nuôi và điều kiện nuôi tái đàn lợn theo quy định.
Khi xảy ra dịch, các địa phương đã chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp lợn mắc bệnh; tuân thủ việc lấy mẫu để xác định chính xác bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Lũy kế từ ngày 01/01/2023 đến ngày 28/9/2023 đã thực hiện lấy 274 mẫu máu và mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm phát hiện bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Công bố dịch theo quy định của Luật Thú y để huy động nguồn lực chống dịch theo quy định. Đối với địa phương đang có bệnh DTLCP, thành lập các đoàn công tác do Lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện, thành phố đi kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; chủ động sử dụng các nguồn lực, huy động nhân lực tại chỗ và áp dụng đồng bộ các giải pháp để kiểm soát, xử lý triệt để dứt điểm các ổ dịch, không để lây lan trên diện rộng.
Thời gian tới, cần tiếp tục tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép, không rõ nguồn gốc; chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, chế biến các sản phẩm động vật không bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm từ các địa phương khác vào địa bàn. Tổ chức thực hiện biện pháp tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi, diệt mầm bệnh bằng vôi và các loại hóa chất sát trùng chuồng nuôi, khu vực chăn nuôi.
Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị các địa phương căn cứ vào tình hình bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xảy ra tại địa bàn, chỉ đạo các phòng, cơ quan chuyên môn phối hợp với Công ty Cổ phần thuốc thú y trung ương NAVETCO và Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam trong việc triển khai sử dụng vắc xin phòng bệnh DTLCP theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất (hai Công ty sản xuất vắc xin DTLCP đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT cấp phép lưu hành) tham mưu việc mua, sử dụng vắc xin DTLCP để tổ chức phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở./.